Gốm và sứ là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn, có thể nhiều người cũng như tôi đều chưa biết cách phân biệt thế nào là đồ sứ, thế nào là đồ gốm. Ngày nay cụm từ “Gốm sứ” đã quá phổ biến nên đã trở thành thói quen khi muốn nói về các sản phẩm được làm từ đất nung. Qua bài viết này có thể bạn sẽ có một số một số kiến thức về sự khác biệt giữa gốm và sứ, những đặc tính của gốm sứ Bát Tràng.
Một không gian gốm Bát Tràng
Gốm và sứ có khác biệt gì?
1. Sự khác biệt của Gốm
Gốm được làm bằng chất liệu thô, giòn, xốp, bề mặt giáp không phủ men. Nhiệt độ nung thường thấp .
Gốm được sản xuất từ đất sét cao lanh, ngoài ra còn được pha trộn với một số thứ theo công thức của từng làng nghề, theo kinh nghiệm của người thợ để có thể được sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu của từng làng nghề. Sản phẩm được tạo hình và nung ở nhiệt độ cao để thay đổi những tính chất lý hóa đặc trưng.
2. Sự khác biệt của Sứ
Sứ được làm bằng chất liệu tinh, chắc, bề mặt nhẵn bóng do được tráng men. Nhiệt độ nung cao.
Sứ là sản phẩm cao cấp phát triển chung từ gốm, tuy nhiên không thấm nước. Sứ có độ bền cơ học cao, tính ổn định nhiệt và hóa học tốt. Nhờ có đặc tính bền và không thấm nước nên hiện nay sứ còn được dùng để sản suất các sản phẩm đồ gia dụng và đồ mỹ nghệ trong xây dựng.
3. Cách phân biệt gốm và sứ bằng thủ công
Cách 1:
Để phân biệt gốm sứ một cách đơn giản nhất bạn chỉ cần lấy chiếc đũa gõ nhẹ vào sản phẩm cần kiểm tra, nếu sản phẩm bằng sứ thì âm thanh cho ra sẽ có tiếng ngân thanh và kéo dài hơn những sản phẩm khác.
Cách 2:
Chế nước lên sản phẩm cần kiểm tra, nếu nơi không có men, các vật dụng bằng gốm sẽ từ từ hút phần nước, còn các vật dụng bằng sứ mịn sẽ không thấm nước.
Cách 3:
Đưa sản phẩm ra ánh sáng, nếu ánh sáng xuyên qua các sản phẩm nhiều hơn thì đó là sứ, vì sứ có độ tinh khiết cao hơn những sản phẩm khác
Việt Nam có rất nhiều các loại gốm sứ khác nhau như: Bát Tràng, Chu Đậu, Đông Triều, Phù Lãng, Thanh Trì, Hải Dương, Đồng Nai,… Nhưng nổi tiếng nhất và được nhắc đến nhiều nhất vẫn là gốm sứ Bát Tràng. Không phải ngẫu nhiên mà gốm Bát Tràng lại được nhiều người biết đến, đó là nhờ những đặc điểm về xương gốm, màu men, đề tài trang trí và đặc biệt nhờ các dòng minh văn của gốm cổ Bát Tràng.
Bát Tràng nổi tiếng với những sản phẩm được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả mầu ngà, đục. Bát Tràng cũng là làng gốm có các dòng men riêng từ loại men xanh rêu cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có mầu xám nâu. Những sản phẩm ở đây rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và ý nghĩa sử dụng, có thể phân chia loại hình của đồ gốm Bát Tràng như sau:
Đồ gốm gia dụng: Bao gồm các loại đĩa, chậu hoa, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, choé và hũ.
Đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng: Bao gồm các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, mâm gốm và kiếm. Trong đó, chân đèn, lư hương và đỉnh là những sản phẩm có giá trị đối với các nhà sưu tầm đương đại vì lẽ trên nhiều chiếc có minh văn cho biết rõ họ tên tác giả, quê quán và năm tháng chế tạo, nhiều chiếc còn ghi khắc cả họ và tên của những người đặt hàng. Đó là một nét đặc biệt trong đồ gốm Bát tràng.
Những đặc điểm cơ bản của gốm Bát Tràng
1. Họa tiết trang trí
Hình thức trang trí trên gốm Bát Tràng bao gồm các kiểu như khắc chìm, tô men nâu .Đề tài trang trí phổ biến có các loại: rồng, phượng, xen kẽ cụm mây, ngựa có cánh, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, hoa dây, lá đề, phong cảnh sơn thuỷ, bộ tứ linh, hổ phù, nghê, hạc… Những đề tài chạm nổi, để mộc điển hình khác như bông cúc hình ôvan, bông hoa 8 cánh, bông cúc tròn, cánh hoa hình lá đề, cánh sen vuông, các chữ Vạn-Thọ (chữ Hán), hoa sen, chim, nghê, hình người, các loài cây tượng trưng cho bốn mùa, các loại văn bát quái, lá lật…
Lục bình gốm Bát Tràng
Hoa văn đường diềm phát triển mạnh các nền gấm, chữ vạn, cánh sen nhọn, hồi văn, sóng nước…Bát Tràng còn xuất hiện thêm các đề tài du nhập từ nước ngoài theo các điển tích Trung Quốc như Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê, Bát tiên quá Hải, Ngư ông kéo lưới…
Ngoài ra hình ảnh Rồng là đề tài thường được trang trí trên nhiều loại hình, đặc biệt trên chân đèn và lư hương. Từ thế kỉ thứ 16 đến thế kỉ 19 hình ảnh Rồng thường xuyên được biến đổi và vẫn là hoa văn thông dụng và được ưa chuộng đến ngày nay.
2. Các dòng men
Gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng: men lam , men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn.
Bộ ấm men hỏa biến Bát Tràng
– Men lam:
Men lam là men gốm được cộng thêm với gốc màu là ôxít côban. Thợ Bát Tràng sử dụng men lam đồng thời với kĩ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên đồ gốm. Men lam không để trần như men nâu mà bao giờ cũng được phủ lớp men mầu trắng bóng, có độ thuỷ tinh hoá cao sau khi nung. Men lam có sắc độ từ xanh chì đến xanh sẫm. Đây là loại men sớm nhất được sử dụng tại Bát Tràng từ thế kỉ 14. Bên cạnh điểm tương đồng với các loại bình gốm hoa lam sản xuất ở lò Chu Đậu (Hải Dương), gốm hoa lam Bát Tràng ngay ở thời kì đầu đã có những nét riêng về dáng và về hoạ tiết trang trí. Những bát, âu, lọ, chân đèn gốm.
– Men nâu:
Một trong số các loại men sử dụng đầu tiên ở Bát Tràng là men nâu, sắc độ màu của men phụ thuộc nhiều vào xương gốm (xương gốm Bát tràng dày và thường có mầu nâu xám). Men nâu có sắc độ đỏ nâu hay gọi là màu bã trầu (chocolate), men này không bóng, trên bề mặt men thường có vết sần. Men nâu còn được dùng phủ toàn bộ rồi cạo bỏ phần men tạo thành đồ án hoa văn mộc.
– Men trắng (ngà):
Đây là loại men trắng, nhiều trường hợp ngả màu vàng ngà, bóng khi nhiệt độ nung đạt độ cao nhưng cũng nhiều trường hợp có màu trắng xám, trắng sữa, đục. Cùng với kiểu dáng và trang trí, men trắng ngà cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ gốm Bát Tràng. Men trắng ngà đã thấy sử dụng phủ lên trang trí men lam hay men nâu, nhưng trong rất nhiều đồ gốm Bát Tràng chỉ thấy dùng men trắng ngà.
– Men xanh rêu:
Men xanh rêu được dùng để vẽ mây, tô lên nhiều góc mảng diềm, đế và các cột dọc của long đình; men rêu sắc sẫm ở các cột vuông mô hình nhà 2 tầng hay một số mảng đường diềm lư hương chữ nhật. Men xanh rêu, sắc nhạt, trên chân đèn, đế nghê. Trên lư hương tròn men xanh rêu thấy điểm vào 4 hình chữ S nổi giữa thân và chân cùng một đôi chỗ trên bụng. Men xanh rêu sắc sẫm còn thấy tô trên một số mảng trang trí nổi, hình nghê của lư tròn và trên diềm trang trí nổi chân trước tượng nghê.
– Men rạn:
Cho đến nay các tài liệu gốm men cổ ở Việt Nam xác nhận mang men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỉ 16 và kéo dài tới đầu thế kỉ 20. Đây là một loại men độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Men rạn có sắc ngà xám các vết rạn chạy dọc và ngang chia ra nhiều hình tam giác, tứ giác. Men rạn còn được sử dụng trên các loại hình: chân nến trúc hoá long; ấm có nắp, đài thờ các nắp, cặp tượng nghê, men rạn có màu trắng xám còn được dùng để đắp nổi, khắc chìm hoặc không trang trí,
3. Minh văn
Minh văn trên gốm Bát Tràng được thể hiện bằng khắc chìm hay viết bằng men lam dưới men trắng. Một số minh văn cho biết rõ năm sản xuất, họ tên quê quán tác giả chế tạo cùng họ tên, có khi là cả chức tước của người đặt hàng.
Gốm và sứ dù khác nhau nhưng đều có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống của con người, là những sản phẩm thân thuộc với mọi gia đình.Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng là một làng nghề gốm sứ nổi tiếng từ xa xưa, được người tiêu dùng ưa chuộng và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi những tính năng ưu Việt mà đồ gốm Bát Tràng mang lại. Để lưu giữ lại nghề truyền thống của Bát Tràng, các nghệ nhân vẫn không ngừng cải tiến chất lượng và sáng tạo để phát triển thêm những đặc tính gốm và sứ.
Tổng hợp.