- Văn cùng vũ nổi dang ngoài nước, quan sang rạng rỡ, lẫy lừng: công với thương nức tiếng trong làng, hàng đắt rộn mù, xô xát,
- Nắn hòn đã các cô các chị, cuộc vần xoay dưới gót, dong ngựa bàn bước chạy ve ve. Dùi lỗ thì mọi chú mọi anh, quyền tạo hóa trong tay dùi gỗ tiếng đua chan chát,
- Lò chen chúc anh em bạn hữu, quanh năm tuôn vẻ khỏi đen xì. Bát no nê con cái vợ chồng, các thức đất màu men trắng toát.
Là một làng quê có nghề gốm truyền thống, từ xa xưa đã có một huyền thoại truyền khẩu trong nhiều thế hệ người làng rằng: Vào thời Trần(thế kỷ XIII – XIV), có ba vị đỗ thái học sinh (tức ngang với tiến sĩ thời Lê – Nguyễn) được triều đình cử đi sứ Bắc Quốc là Hứa Vĩnh Kiều, người Bát Tràng; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà; và Lưu Phương Tú, người làng Phù Lãng. Sau khi hoàn tất công việc ngoại giao, trên đường về nước, qua vùng Thiều Châu gặp bão lớn, họ phải dừng nghỉ lại. Nơi đó có xưởng gốm Khai Phong, ba ông bèn học lấy nghề gốm rồi đem về nước truyền bảo cho dân quê mình. Do vậy mà làng Bát Tràng chuyên chế các hàng gốm men có sắc trắng, làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm men có sắc đỏ, còn làng Phù Lãng thì chế các hàng gốm men có sắc vàng thẫm.
Rồi lại có câu chuyện nội dung tương tự như thế, duy chỉ có hai chi tiết kể khác đi. Ấy là thời điểm ba vị đi sứ là cuối thời Lý (đầu thế kỷ XIII) và tên vị thứ nhất là Hứa Vĩnh Cảo (vì chữ Cảo và Kiểu giống nhau). Cốt lõi thực của câu chuyện này ra sao? Về tên họ, chức tước của ba vị này, tới nay cũng chưa có điều kiện xác định được. Vả lại, tới nay cũng không có ai ở Bát Tràng thừa nhận Hứa Vĩnh Cảo là ông tổ nghề mình. Do vậy, câu chuyện kể trên, tự thân nó chỉ là một sự quảng cáo. Chứ sự thật nào đâu phải như vậy?
Cũng dựa vào truyền thuyết, nhưng không biết căn cứ vào đâu mà trong cuốn sách Bàn về người Bắc Kỳ, một nhà nghiên cứu nước ngoài là Dumochier trước đây là quy công dạy nghề làm gốm ở nước ta cho một người thợ Trung Quốc tên là Hoàng Quang Hưng. Có lẽ ông ta định cư tại làng An Kê, tỉnh Hải Dương và từ làng này chuyển đến Bát Tràng, Phù Lãng rồi đến Thổ Hà vào năm 1465, dưới triều Lê Thánh Tông. Lộ trình truyền nghề này, lại thêm cả thời điểm lịch sử nữa, khiên người nghe cứ ngỡ là chuyện thật. Nhưng kết quả điều tra sử học và khảo cổ học Việt Nam cho thấy: Đó chỉ là một giả thiết sai lầm đáng tiếc. Ở Thổ Hà làm gì có miếu thờ Hoàng Quảng Hưng. Lịch sử lập làng Thổ Hà còn khá rõ. Đây là một trung tâm sản xuất đồ sành. Người Thổ Hà vốn dư cư từ bên Qủa Cam sang, mà nay đến vùng Qủa Cam, ở đâu ta chẳng gặp lớp gốm sành tương tự Thổ Hà. Nơi đây còn có đền thờ bà chúa Sành, một cô gái bán gốm có nhan sắc, duyên dáng, điển hình của xứ Bắc được tuyển vào làm cung phi của vua Trần Anh Tông. Tìm hiểu thêm nữa thì được biết, ở Thổ Hà, tấm bia cổ nhất làng có niên đại dựng vào năm 1692 nói rằng lúc ấy, dân làng Thổ Hà chỉ có 59 mẫu đất. Thời kỳ phát đạt nhất của làng là thế kỷ XVII. Cũng chỉ đến lúc này, dân làng Thổ Hà mới có điều kiện xây dựng các công trình công cộng của làng như đình, chùa, văn chỉ,…
Thực ra thì nghề gốm ở Việt Nam đã có một lịch sử phát triển rất sớm. Hiện nay, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ra những dấu vết đồ gốm thô có niên đại trên 6000 năm trước. Chuyển đến giai đoạn gốm Phùng Nguyên, Gõ Mun (Vĩnh Phú), thời đầu các vua Hùng, thì chất lượng gốm đã cao hơn, chắc hơn, với độ nung 800 – 900 độ C. Các sản phẩm gốm trong giai đoạn này có xương gốm bước đầu được tinh luyện, kỹ thuật tạo dáng đã đẹp và tiện dụng hơn. Hoa văn trang trí được thể hiện bằng các phương pháp chải, rạch, dập và in. Người thợ gốm đã loại bỏ dần những yếu tố ngẫu nhiên, bắt đầu quan tâm tới cái đẹp và công dụng của từng chủng loại sản phẩm.
Đến giai đoạn gốm men Đại Việt (từ thế kỷ thứ XI trở đi) thì một số trung tâm gốm đã hình thành trên đất nước ta như vùng gốm Hà Bắc, Thanh Hóa, Thăng Long, Đà Nẵng. Những sản phẩm gốm dân dụng kết hợp với nghề làm gạch ngói đáp ứng yêu cầu xây dựng chùa, tháp như chùa Phật Tích (Hà Bắc), Quốc Tử Giám (Hà Nội), tháp Chàm (Quảng Nam, Đà Nẵng),…Đặc biệt, ở thời Trần, có trung tâm gốm Thiên Trường (Hà Nam Ninh) với các sản phẩm tiêu biểu như bát đĩa, bình lọ phủ men ngọc, men nâu,…
Như thế thì phải đâu có sự truyền dạy của thợ gốm Tàu mới có nghề gốm ở Bát Tràng, Thổ Hà và Phù Lãng,…
Duy chỉ có truyền thuyết nói về việc dân làng Bát Tràng từ Bồ Bát chuyển cư ra Bắc và định cư ở tạn mạn sông Hồng, phía dưới Thăng Long, để tiện việc chuyên chở nguyên liệu và thành phẩm …. là phù hợp với thực tiễn lịch sử. Nghề gốm ở Bát Tràng gắn liền với quán trình lập làng. Do vậy, thời điểm chuyển cư hợp lý nhất của người Bồ Bát phải là khoảng cuối thời Trần (thế kỷ XIV) và có thể coi đó là thời điểm mở đầu của làng gốm.
Một thực tế cho thấy người dân làng Bát không thờ tổ nghề như các làng nghề thủ công khác. Chỉ có điều vào các dịp lễ hội thờ thành hoàng hàng năm, dân làng rước các bài vị đề duệ hiệu, mỹ tự của các thần ra đình tế lễ, các dòng họ được rước tổ của mình ra phối hưởng. Riêng họ Nguyễn Ninh Tràng, là họ đầu tiên chuyển ra làng Bát, được quyền rước bát hương che lọng vàng, đi vào cửa giữa đình. Còn các họ khác lần lượt rước bát hương che lọng xanh đi né sang bên. Lễ hội Bát Tràng có nhiều trò chơi và những cuộc thi tài thật độc đáo. Ngoài thi nấu cỗ, đánh cờ người (mà tướng đều là các bà), làng còn tổ chức đua tài bằng những sản phẩm tinh xảo do người thợ chế tác ra. Giải thương tuy không lớn nhưng điều này đã động viên mọi người, khiến ai cũng cố gắng hết mình để tạo ra những vật phẩm có giá trị vĩnh hằng. Ai ai cũng háo hức tham gia, tận đáy lòng họ nghĩ rằng người được giải chính là được tổ nghề ban lộc, làm ăn sẽ khá giả, nghề nghiệp tiến triển suốt năm. Đây cũng là vinh dự vô giá để mỗi người tự nâng cao tay nghề, hẹn đến năm sau lại cùng đua khéo đua tài.
Nguồn: Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội