Bản sắc văn hóa trà Việt Nam

Lượt xem : 1,227 lượt xem

      Ở nước ta, văn hóa uống trà đã tồn tại suốt một khoảng thời gian dài, Người việt Nam đã biết đến cây trà từ rất sớm so với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo tài liệu nghiên cứu, dấu tích của lá và cây chè hóa thạch được tìm thấy ở Phú Thọ. Cây chè được dự đoán đã xuất hiện từ thời kỳ đồ đá mới – Văn hóa Hòa Bình. Cho đến nay, ở tỉnh Yên Bái có một rừng chè hoang dại khoảng 40000 cây chè. Những cây chè cổ thụ to đến mức 3 người ôm không xuể. Một số kết luận khoa học xác định rằng Việt Nam là một trong những cái nôi cổ nhất của cây chè trên thế giới.

Văn hóa trà của Việt Nam với một chiều dài lịch sử với bề sâu và chiều dày xứng tầm với hai nền văn hóa trà lớn của thế giới đó là văn hóa trà Nghệ (Trung Quốc) và văn hóa trà Đạo (Nhật Bản). Văn hóa trà Việt Nam được chia làm ba dòng rõ rệt:

Văn hóa trà dân gian

Nghệ thuật ẩm trà dân gian Việt Nam rộng mở cho đại chúng, không hề có quy định áp đặt nào. Chè dân gian nhắm tới mục đích phục vụ cuộc sống thường nhật, vậy nên: thực tế, thường nhật, tiết kiệm, hiệu quả luôn là những định chuẩn bất thành văn trong văn hóa trà dân gian.

Ngon, nhưng phiền phức: xin kiếu! Ngon nhưng tốn kém: xin kiếu! vì vậy, chẳng những ngon nhưng lại tiện, chẳng những ngon mà lại rẻ, lý lẽ giản dị, nôm na dân dã và rất đặc thù cho tính cách Việt.

Trên thế giới, không có nơi nào uống trà đá như Việt Nam. Chất Việt trong trà đá thể hiện tính thích nghi cao và vô cùng thực tế, hiệu quả. Những ngày hè oi ả, những phút nghỉ tay sau lúc lao động nhọc nhằn và trong cái nắng gắt hơn 40 độ ở xứ nhiệt đới này, thiết tưởng không gì đã khát hơn ly trà đá nhưng lại rất rẻ, rất tiện dụng mà không loại nước vương giả nào đáp ứng, so bì được.

Trà dân gian được pha chế theo đủ kiểu cách: hãm nước sôi; đun trà rồi ủ, ủ trà bằng ấm đất… tùy ý, miễn sao cho tiện., song luôn có bí quyết cho nghệ thuật pha chế, giữ cho nước trà trong xanh và hương vị tươi mát. ở đây cũng không cần tới từ ngữ quá chuyên môn “trà cụ” mà chỉ cần dùng ngôn ngữ bình dân, đơn giản là vật dụng pha trà mới mô tả đúng ý nghĩa, bởi người ta có thể dùng bất cứ thứ gì để có thể pha trà. Ấm đất, bình tích, siêu, ca, nồi đồng, đôi lúc cả những Gamen hay vật dụng gì sẵn có. Thường thì Trà dân gian không quá câu nệ về “trà cụ”, song theo thói quen truyền thống từ ngàn đời, những chiếc ấm đất, gốm vẫn là những dụng cụ hãm, ủ chè thuần Việt nhất và bát chiết yêu dân dã dùng để uống mới đã cơn khát và mới tận hưởng được hết cái hương vị, cảm nhận được cái Thần của nước chè tươi.

Ấm trà xanh tình nghĩa

Tính cộng đồng cao là thuộc tính quý hóa trong văn hóa Trà dân gian Việt. Uống nước chè không còn mang ý nghĩa giải khát đơn thuần mà vượt lên trở thành yếu tố để gắn kết mọi người trong sinh hoạt, họp mặt cộng đồng. Trà dân gian như một chất xúc tác, gắn kết cộng đồng góp phần làm thăng hoa Văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp lúa nước. Sẽ tẻ nhạt và trống vắng biết bao nếu vắng bóng chè tươi trong những buổi hội hè, giao lưu vừa để trao đổi kinh nghiệm đời sống sản xuất, vừa là thời gian sau thư giãn sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Tập tục này còn được lưu giữ và bảo tồn tới ngày nay ở khắp các làng, thôn Việt. Điển hình là Hội chè tươi vùng Vĩnh Phúc. Sân Đình là nơi tụ họp của cả làng và không lúc nào thiếu được nồi nước chè tươi. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở các cổng phố Thăng Long, người ta vẫn còn để các cóng chè tươi hoặc lu nước mưa phục vụ miễn phí khách bộ hành. Ứng xử văn minh đầy chất nhân văn này đã được Henri Oger ( Pháp) ghi lại trong tập ảnh ký họa nổi tiếng với hơn 4000 hình ảnh sinh hoạt của người Việt dưới cái tên Kỹ thuật của người An Nam

Hình ảnh Trà dân gian Việt Nam hiện rõ nét ở quán nước làng dưới những gốc đa, gốc gạo cổ thụ và trở thành biểu tượng của làng xóm Việt. Nồi đất ủ chè tươi với dăm ba chiếc bát sành úp trên chõng tre sẵn sàng phục vụ khách. Nét văn hóa uống chè tươi bằng bát là dấu ấn quý báu còn lưu lại từ thuở sơ khai, từ nền văn hóa Trà cổ xưa của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước. Ở các quán làng, thuộc tính của nước chè bao hàm ý nghĩa phục vụ cộng đồng nhiều hơn là mục đích kinh doanh vì lợi nhuận. Vậy nên giá cả rất rẻ, không ai phải e dè, ngại ngùng khi uống một bát nước chè tươi. Điều lạ lùng là chè tươi uống bằng bát cho ta cảm giác ngon hơn hẳn so với uống bằng cốc, bằng ly hay bất kỳ vật dụng chế tác cầu kỳ, tinh xảo nào khác.
huộc tính khác của Trà dân gian là tính hiệu quả và thực dụng. Từ đây, người Việt có rất nhiều loại trà có nguồn gốc phi trànhư: trà Vối, trà Bàng, trà Khổ qua; trà Bí đao; trà Thanh nhiệt; trà hoa cúc; trà Artiso, trà Cỏ ngọt… thậm chí cả trà Cơm cháy, trà Gạo rang… đây là các loại trà thanh lọc, giải nhiệt cơ thể rất tốt cho sức khỏe. Hầu như người Việt có rất nhiều loại trà dạng này bởi tính hữu dụng của chúng: rất dễ kiếm, có mặt ở khắc nơi, tận dụng được nhiều nguồn nguyên sản hoa quả thiên nhiên của đời sống nông nghiệp. Quan trọng hơn, nhờ tính hiệu quả do chúng mang lại từ những trải nghiệm trong đời sống thường nhật được đúc kết qua hàng ngàn năm của tộc Việt trong việc bảo vệ sức khỏe chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Trân trọng và sùng bái trà là thuộc tính khác của văn hóa Trà Việt, chính vì lẽ ấy mà chè trở thành một trong những vật linh thiêng không thể thiếu dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Ngày giỗ, ngày cúng cơm dân ông bà đều có lệ dâng trà. Nguồn gốc xa xưa của những tập tục này xuất phát từ quan niệm Trà là thủy tổ của vạn vật, lá trà là vật linh thiêng hóa sinh.

Văn hóa trà của Việt Nam với một chiều dài lịch sử với bề sâu và chiều dày xứng tầm với hai nền văn hóa trà lớn của thế giới đó là văn hóa trà Nghệ (Trung Quốc) và văn hóa Trà Đạo (Nhật Bản). Văn hóa trà Việt Nam được chia làm ba dòng rất là rõ rệt:

Văn hóa trà thiền

Trà thiền là một phương pháp thiền thông qua việc uống trà. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa khác nhau, mọi tôn giáo đều có thể thực hiện được. Trong trà thiền các thiền sư tự nấu nước pha trà độc ẩm như một cách để tâm yên tĩnh, thoải mái và thư thái.

Thi kệ uống trà Làng Mai

Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà, đó là những thời khắc đời sống trần tục đang bủa vây tứ phía, trà giúp người ta tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục và để xua đi cảm giác cô độc. Hiện nay, ngôi chùa duy nhất còn tiến hành nghi lễ Thiền trà định kỳ là chùa Văn Trì (Từ Liêm) – Hà Nội.

Theo phật giáo Việt Nam: Trà thiền là một nét đẹp trong văn hóa Phật giáo và có thể coi là một chi phái riêng. Nên các nguyên tắc trên vốn là sự bất khả phân giữa hiện tượng bên ngoài và thế giới bên trong. Sự hòa hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng của trà thất, của trà chủ (người mời) và trà khách (người được mời) vốn là sự hợp nhất của tâm và cảnh, của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong nơi mỗi chúng ta.

Trà thiền làm cho con người trầm mặc và tĩnh lặng hơn, là một cách để tĩnh tâm giúp cho tâm hồn được thư giãn, quên bớt phiền não… Việc uống trà trở thành một triết lý sống, một nghi thức đặc biệt mang nhiều tính chất cao quý. Người uống trà khi bước vào nghi thức trà lễ là đã tự rũ bỏ tất cả cuộc đời náo nhiệt, quên hết dục vọng và tâm hồn được hoàn toàn yên tĩnh như mặt nước yên bình. Với người “thế tục” uống trà là để tìm sự tĩnh cho tâm hồn nhưng với người thiền định thì uống trà là để tĩnh tọa: “Trà vị thiền vị thị nhất vị”.

Phải nói rằng Thiền trà ở cửa Phật thể hiện rõ nét những triết lý Nho, Phật và Lão Trang qua bốn chữ Hòa, Kính, Thanh, Tịnh. Hòa là sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người; Kính là sự kính trọng, biết ơn trước sự tồn tại của sự vật; Thanh là sự thanh khiết của vật chất và tinh thần, Tịnh là sự bình an của tâm hồn. Uống trà khiến cho tâm trí minh mẫn, tinh thần sảng khoái, giúp con người thăng hoa đời sống tinh thần.

Khi tâm bất ổn hoặc đang chìm trong những rắc rối, bộn bề hãy lắng mình vào cửa Phật là nơi thích hợp nhất cho việc thưởng trà và đồng nhất việc uống trà thành phương pháp “tĩnh tâm điều tức”, Trà thiền. Người thế tục uống trà để tìm được sự bình an giữa cõi tục, để tự mình khám phá những ý niệm, những suy nghĩ tâm đắc trong cuộc đời.

Văn hóa trà bác học

Trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình như là một bằng chứng của sự giàu sang quyền quý để phân biệt đẳng cấp với bậc thứ dân trong xã hội phong kiến.

Người trong Hoàng cung trước kia khi pha trà cho các ông vua, bà hoàng rất cầu kỳ và công phu, phải hứng từng giọt sương trên búp sen vào lúc chưa có ánh nắng. Còn các cụ xưa thường dùng nước mưa sẽ giúp cho nước trà tăng thêm vị ngọt, sau khi uống sẽ thấy vị ngọt lưu lại nơi cổ họng. Kỹ năng pha trà tùy theo kinh nghiệm bí quyết của mỗi người, tùy vào chất lượng và hương vị của mỗi loại trà nên pha loại ấm nào. Trước khi pha trà phải tráng ấm bằng nuớc sôi cho nóng trước rồi cho trà vào, khi pha xong đậy nắp kín tiếp tục rót nước sôi từ trên nắp xuống như tắm ấm để giữ nhiệt độ nóng trong ấm giúp cho các cánh trà được thấm đều.

Quan lại tri thức ngày xưa thưởng trà

Trà chinh phục tầng lớp trung lưu, phần lớn là giới nho sỹ. Tương truyền Bích Câu Quán là nơi đầu tiên mà các học trò theo học ở Văn miếu thường uống trà, họp bàn văn chương.

Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã coi trăng, thơ và trà là ba thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của cụ. Trong “Quốc âm thi tập” và “Ức trai thi tập” có nhiều câu thơ hay về trà: “Ngoài hoa chè núi rửa niền trần”, “Cởi tục chè thường pha nước tuyết”, “Say minh nguyệt chè 3 chén”… Hình như cụ Nguyễn Trãi coi trà như một thứ cao quý giúp ông giao hòa với thiên nhiên, giao hòa với vũ trụ bao la, giao hòa với con người và giao hòa với tâm linh. Phong cách thưởng trà của cụ thật cao siêu, thanh cao, nho nhã vô cùng. Ông dùng trà để rửa niềm trần, để giao hòa với tuyết, với trăng, với thơ, với đời và với mai sau.

Cụ Cao Bá Quát uống trà như một đạo sỹ, ung dung, an nhiên, tự tại. Ông viết “Sáng sớm múc nước giếng trong/ Nhòm hỏa lò bằng thứ than nhỏ/ Không có hơi khói hơi bụi/ Rửa tay sạch ngồi khề khà uống rất là khoái”. Nhưng cao hơn cụ tìm cái chân vị của trà: “Uống chè không nên ướp hoa/ Ướp hoa sẽ mất chân vị của trà/ Thưởng thức hương thơm cốt thanh và thực/ Không để khói bụi khác làm mất bản chất”.

Cụ Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” cũng viết nhiều về trà. Theo cụ cái thú vị của uống trà là: “Cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho, buổi sáng gió mát, buổi chiều trăng trong với bạn rượu, nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm trà thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục…”.

Nhà văn Nguyễn Tuân coi thưởng trà như thú vui cầu kỳ, tao nhã. Trong “Chén trà sương” cụ viết: “Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm bằng thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi, phải gạn vét mới đủ một ấm”. Cụ sợ nhất là ấm trà pha hỏng vào buổi sớm mai. Cụ nói: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể ngồi cùng bên một ấm trà”. Hay trong truyện “Những chiếc ấm đất” cụ lại viết: “Uống trà như thầy cháu thì cũng có một, cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà… chỉ có nước giếng ở đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Thế rồi ông đọc to hai câu đối của ông tú Hải Vân, viết bằng giấy hồng điều, dán ngoài cửa: họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu… Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi trà đồng pha nước trước hiên mai”.

Trong chuyện “Gió lạnh đầu mùa” nhà văn Thạch Lam lại miêu tả cách uống trà của người nghèo cũng thi vị và độc đáo: “Sơn Cầm lấy chén trà nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mắt vào miệng chén cho hơi bốc lên”.

Còn rất nhiều tao nhân mặc khách, những vị vua hiền, những vị quan thanh liêm, những quân tử, lãng tử, những nho sinh và những chân tu đã coi việc thưởng trà như thú vui tao nhã, như một phép tu thân, như một thứ đạo không thể không theo được. Lâu dần thưởng trà của người Nam ta cũng có phong cách riêng, có lễ thức, nghi thức, trình thức và cách thức thưởng trà dần dần thành văn hóa, đó là văn hóa trà Việt.

Tìm trong chính sử có những ghi chép như sau:

“Kỷ Hợi tháng 5, rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh Sư”. Đây là ghi chép của Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (quyển 3) phần về Nhân Tông Hoàng Đế (Vua Lý Nhân Tông 1027). Rồng hiện là điều linh thiêng, là điều lành, điều may mắn lớn có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất rồng hiển linh ở hàng bán nước chè bình dân ở kinh thành Thăng Long. Phải chăng vào thời đó nước chè đã trở thành thức uống cao quý? Hay là cây chè đã tích tụ linh khí của đất trời trở thành báu vật quý giá, dinh dưỡng tâm hồn thanh cao của con người.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 5) kỷ nhà Trần ghi chép “Thái Tông Hoàng Đế” (Trần Thánh Tông 1226 – 1258) như sau: “Đinh Dậu (thiên ứng chính bình) năm thứ 6 (1237): tháng 2, dời dựng điện linh quang ở đinh bộ đầu gọi là điện phong thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón đều dâng trầu cau và trà, nên tục gọi là “Điện trà”. Như vậy, vào thời Trần việc uống trà của vua rất được coi trọng. Triều đình dựng hẳn điện để vua thưởng trà. Điện trà của vua Trần Thái Tông phải chăng là trà thất đầu tiên của văn hóa trà Việt.

Từ những ghi chép trong chính sử, chứng tỏ người Việt đã uống trà cách đây hàng ngàn năm. Việc uống trà, thưởng trà đã được nhiều thế hệ người Việt nâng lên thành văn hóa trà Việt. Từ vua quan đến những người bình dân đều uống trà. Và từ nhiều thế kỷ nay trà đã trở thành thức uống quý giá của con dân đất Việt. Trong thế giới hiện đại, chè không những không bị lãng quên mà còn được uống nhiều hơn, tinh hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

+ Văn minh Trà Việt – Trịnh Quang Dũng.

+ Văn hóa trà Việt Nam – Hiệp hội chè Việt Nam.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon