Chợ trà Thái Nguyên

Lượt xem : 494 lượt xem

Tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

     Thái Nguyên quả không hổ danh là đất trà. Bởi toàn chuyện “mở mắt thấy trà”, trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục chợ chuyên doanh để những người làm trà, yêu trà tụ họp mà thỏa thê thử, bình phẩm, mua bán trà.

Chén đựng chén úp

Năm giờ sáng, bà Lê Thị Đào vội vã trở dậy. Làm vệ sinh cá nhân hết chừng mười lăm phút rồi bà nhờ người con trai chở xe máy đi 10km từ nhà ở trung tâm thành phố Thái Nguyên đến xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên để chuẩn bị cho phiên chợ trà. Dinh cơ của bà là một căn phòng rộng hơn chục mét vuông để thùng, xô, chậu, phích, những đống bàn dài và ghế băng bằng gỗ, mấy rổ đựng trà trăm chiếc chén sứ trắng. Bà Đào nhanh chóng đi nhóm mấy bếp than tổ ong. Than hồng, đặt lên dãy bếp một loạt siêu đun nước rồi bà vào cùng con trai khênh bàn ghế ra kê ngay ngắn thành một dãy trong khu nhà lồng chợ. Tiếp đến là mang rổ chén sứ ra xếp trên mặt mỗi chiếc bàn hai mươi chiếc. Xong quay về dãy bếp than tổ ong thì nước cũng vừa sôi. Rót đầy vào mấy chục cái phích rồi bà Đào xách đến dãy bàn, ở một đầu mỗi chiếc bàn đều được đóng một cái hộc đựng vừa hai, ba cái phích. Xong xuôi là khoảng 6 giờ 30 phút, bà Đào đã có thể ngồi thảnh thơi pha một ấm trà nhâm nhi. Mấy chục năm nay bà đã quen với nếp ấy. Bốn, năm người khác cũng như bà, đã chuẩn bị xong bàn, ghế, chén, phích nước sôi.

Bàn thử trà

Tiếng động cơ ô tô, xe máy, tiếng người nói xôn xao đã bắt đầu rộ. Người từ khắp nơi chở những bao tải trà nghễu nghện sau xe máy hoặc chất đầy trong thùng ô tô tải đổ về chợ. Mỗi người chiếm một góc để đặt bao tải trà xuống nền xi măng của nhà lồng chợ. Miệng bao mở sẵn. Khoảng bảy giờ, những người mua đã bắt đầu đến và chợ lập tức sôi động. Hai mươi cái bàn gỗ, mỗi cái đặt hai phích nước sôi và hai chục cái chén. Người bán đã mở sẵn những bao trà tươi cười, đon đả mời chào. Người mua vui chân dừng lại, một tay thọc vào bao nhúm một nhúm trà thả vào lòng bàn tay kia, dàn đều để cảm nhận bằng tay, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi. Pha là công đoạn quan trọng nhất. Thả nhúm trà vào một cái chén, mở phích rót nước sôi ngập trà rồi đổ đi để tráng; tiếp tục rót nước sôi ngập trà và lấy một cái chén khác úp lên. Hãm chừng mười giây, người mua cầm hai cái chén trà lên chuyên nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm mà cảm nhận vị. Khép kín một quy trình thử trà là hình (của búp, cánh), sắc, hương, vị (của nước) và hình (của bã).

“Nước kém lắm”, “Không lên hương”, “Ốp khô  quá nó xơ chè”, “Chất chè quá êm”, “Cánh đẹp”, “Nước xanh đấy”, “Hai mươi thôi”, “Hai sáu mới bán”…Lời trao lời, mắt nhìn mắt, rồi mặc cả, rồi bán mua. Ông Đỗ Tuấn Anh, về sinh sống ở phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên đã 29 năm nay. Ông có thú vui là đến phiên chợ lại ra “tuyển chè để uống và tặng anh em”. Thế nhưng “một tiếng (giờ) tôi pha mấy chục chén mà chưa được. Đáng ra mùa này chè ngon lắm rồi mà năm nay thợ nào cũng kêu. Do bà con phun thuốc sâu nhiều quá,” ông than phiền.

9 giờ 15 phút, chị Nguyễn Thị Oanh, 33 tuổi, ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên thì đang cười tươi tắn vì chở xuống chợ gần 50kg trà thì đã bán được 30kg với giá 260 ngàn đồng/kg. Về giá cả ở chợ, chị cho biết: “Thấp nhất thì 20 (200 ngàn đồng/kg), 22 (220 ngàn đồng/kg), cao nhất là chè đinh (chỉ hái một tôm so với các loại trà khác là hái một tôm hai lá, Đ.Q.T.H.): ba triệu sáu (3,6 triệu đồng/kg).” Hai, ba trăm người ken đầy chợ, người bán, kẻ mua, người đi khảo giá, kẻ chỉ đi chơi. Đủ giọng điệu, đủ nét mặt, đủ tâm trạng nhưng đều gặp nhau ở những chén trà. Bà Đặng Thị Dung, 45 tuổi, đã có 30 năm kinh nghiệm đi buôn trà. Bà bao giờ cũng ở cho đến lúc “không còn người nữa thì thôi, hết chè mới về.” Phiên này bà mua được 50kg trà để mang về nhà ở thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bán buôn và bán lẻ. Bà là người cuối cùng rời chợ lúc 10 giờ 45 phút.

Chợ trà Phúc Xuân (xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên) hình thành từ 27 năm nay, họp từ khoảng 7 giờ đến 11 giờ vào các ngày 1, 4, 6, 9, 11, 14, 16, 19, 21, 24, 26, 29 âm lịch hằng tháng và được đánh giá là một trong những chợ có quy mô lớn nhất về lượng trà giao dịch và số người tham gia buôn bán thường xuyên. Ước tính trung bình mỗi phiên chợ, người dân mua, bán khoảng từ 1,2 tấn trà đến 1,4 tấn trà. Giá cả cũng rất đa dạng, ít thì 100 ngàn đồng/kg, nhiều thì 3,6 triệu đồng/kg.

“Chè Cài, Gái Hích.” Đó là câu thành ngữ của người Thái Nguyên nói về đặc sản chè (trà) Trại Cài và vùng gái đẹp phố Hích thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chợ trà Trại Cài đã hình thành được 32 năm nay, họp ngày 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27, 30 âm lịch hằng tháng, đông nhất là vào phiên chính là ngày 10 và ngày 15. Từ đây, đặc sản trà của các xã Minh Lập, Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ) đã đến được với những người uống trà trong, ngoài tỉnh và vì thế, trà xuất xứ từ Trại Cài ngày càng được nhiều người biết tiếng. Mỗi phiên chợ (họp từ 7 giờ đến 10 giờ) có tới hơn 10 tấn trà búp khô của vùng Trại Cài theo chân những người buôn tỏa đi khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh miền Trung. So với khoảng chục năm trước thì lượng trà giao thương ở chợ Trại Cài tăng gấp ba, bốn lần. Mỗi năm vùng trà Trại Cài cung cấp cho thị trường gần 700 tấn trà búp khô.

Anh Nguyễn Văn Thanh, ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đi khắp các chợ trên địa bàn tỉnh để buôn bán trà. Gặp nhau ở chợ Trại Cài, anh rủ tôi đi một chợ trà mới hồi sinh sau gần 30 năm vắng bóng. Nghe anh nói vậy, tôi lập tứng bám theo.

Minh Tiến nằm ở ngã ba của ba huyện Đại Từ – Phú Lương – Định Hóa. Là một xã thuần nông nằm ở phí Tây Bắc huyện Đại Từ, là vùng đất xa xôi cách trung tâm huyện hơn 20km. Từ những năm 90 của thể kỷ XX trở về trước chợ Minh Tiến đã hoạt động nhộn nhịp, họp chợ hằng ngày thu hút được sự quan tâm của nhân dân trong xã và cả từ nhiều xã ở phía nam huyện Định Hóa, phía tây huyện Phú Lương. Ấy thế mà do nhiều biến động của xã hội mà nhiều năm qua chợ Tiến Minh hoạt động cầm chừng, mọi hoạt động trao đổi mua bán đều diễn ra nhỏ lẽ, tranh thủ. Nông sản lớn nhất, giá trị nhất là trà đều được nhân dân mang đi bán tại chợ Phú Cường – cách trung tâm xã Minh Tiến khoảng 6km. Lượng trà bày bán tại chợ Phú Cường có tới 50% là trà từ Minh Tiến đưa xuống. Trong sâu thẳm tâm hồn, người dân Minh Tiến đều mong mỏi được bày bán những tinh hoa lao động của mình tại quê hương, mong được góp phần tái lập chợ Minh Tiến nhộn nhịp, trù phú như mấy chục năm về trước. Mong muốn chính đáng ấy đã trở thành hiện thực. Ngày 25 tháng 9 năm 2015 tức là ngày 12 tháng 8 âm lịch, chợ trà Minh Tiến chính thức được tái lập. Bà Đinh Thị Lực hồ hởi: “Tôi đã gần 60 tuổi, tính đến hôm nay cũng gần 30 năm rồi mới lại được họp chợ nhà để mua bán hàng hóa gần gũi, ấm cúng…”

Chợ trà Minh Tiến họp vào các ngày: 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27, 30 âm lịch hằng tháng nên dân ở đây có câu đúc kết là “mười ngày bốn phiên”. Cũng như các chợ trà khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thợ thử trà bằng các nhúm một nhúm trà thả vào cái chén, rót nước sôi vào, úp một chén khác lên. Chờ chưng mười giây cho trà ngấm rồi lật ngược hai chén lại, lấy một chén ngửi hương, một chén uống nước để thử vị. Và tiếng lao xao khắp nơi:

+ Cánh gẫy, cuộng nhiều.

+ Chè hái trời mưa, nước đỏ, xấu lắm!

+ 85 nhé!

+ Ôi giời ơi, em lạy bác! Chè đẹp, nạc thế này mà trả giá đấy à?

+ Thế bao nhiêu thì bán?

+ Tiếp ơi! 95 quyết đi nào!…

Chợ cũng có người bày bàn ghế, chén, phích và chuyên đun nước sôi miễn phí cho thợ thử trà. Anh Trần Văn Thạch, ở xóm Trung Tâm, xã Minh Tiến – ngay cổng chợ – mỗi phiên đun 30 phích nước sôi, phích nhỏ thì một lít, phích to thì ba lít, phục vụ miễn phí cho người đi chợ thử trà. Mỗi phiên anh gom được 20kg bã, mang về phơi và sao được 5kg trà khô. Có người chỉ mang đến chợ mỗi cái cân bàn 100kg. Bà Sở, một người cho thuê cân, cho biết: ”Ba mã (ba lần cân, Đ.Q.T.H) năm nghìn (đồng). Nhưng tùy người ta, trả được đồng nào thì trà.” Chợ họp từ 6 giờ đến tầm 12 giờ là tan. Hôm đông nhất có đến mười mấy chiếc ô tô tải loại trọng tải từ 150kg đến 750kg đến chợ lấy trà. Bà Nguyễn Thị Nụ, ở thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đi buôn trà từ 30 năm nay. Phiên này bà mua được 400kg trà, giá đắt nhất là 270 ngàn đồng/kg. Bà cho biết: “Mang chè về nhà tôi phải quay lại bằng tôn quay, giần, sẩy, đánh hương rồi mới đóng gói bán đi các nơi.” Mỗi năm bà bán được từ 50 tấn trà đến 70 tấn trà. Những gói trà Thái Nguyên hiệu Đức Nụ của gia đình bà xuất đi nhiều địa phương trong cả nước, xa nhất là vào quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Người thử trà

Cũng ở huyện Đại Từ, chợ La Bằng thì họp phiên chính vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 và phiên xép vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Trung bình mỗi phiên có từ bảy đến mười xe ô tô tải từ các nơi về nhập trà. Chợ La Bằng còn có cả trà ở nơi khác mang đến bày bán. Giá trà búp khô loại ngon bán tại các phiên luôn ở mức trên 400 ngàn đồng/kg…

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 105 chợ nông thông, trong đó có 17 chợ đầu mối về trà, mỗi chợ cung cấp từ 40 tấn trà/năm đến 200 tấn trà/năm. Các chợ có tiếng là: Yên Lạc, Phú Đô, Tức Tranh, Giang Tiên (huyện Phú Lương); Phú Sơn, Điềm Mặc, Bình Yên, Quán Vuông, Bình Thành, Chợ Chu, Tân Lập (huyện Định Hóa); Minh Lập, Hòa Bình, Văn Hán, Nam Hòa, Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ); Bắc Sơn, Phúc Thuận (huyện Phổ Yên); Bình Sơn, Mỏ Chè (thành phố Sông Công)vv… Mỗi tháng, chợ họp ít thì cũng bốn phiên, nhiều thì mười hai phiên. Thế nên người dân Thái Nguyên có câu “Ba cây một chợ, năm ngày hai phiên” để chỉ mật độ và thời gian diễn ra các chợ trà trên địa bàn tỉnh. Trong 158.700 tấn sản lượng trà búp tươi, tương đương 32.000 tấn trà thành phẩm/năm của tỉnh, có khoảng 80% bán tại chợ nông thôn với giá bình quân 60 triệu/tấn, doanh thu khoảng 19.200 tỉ đổng.

Đến chợ bạn có thể cảm nhận về văn hóa của một nơi chốn, với nhiều màu sắc, nhiều mùi vị và hơn nữa là được nghe những câu chuyện rất đời thường thú vị. Tôi vốn mê chợ nên đến bất cứ đâu cũng la cà ra chợ để xem hàng hóa, để ngắm kẻ bán người mua. Và tôi đã luôn hứng khởi khi la cà đến những chợ trà Thái Nguyên.

Trà ướp xác

Ở mỗi chợ trà đều có những người kê bàn, bày chén, phích, đun nước sôi. Họ đun liên tục, cứ phích vơi lại tiếp đầy, mỗi phiên hết cả trăm lít nước sôi để phục vụ người đi chợ pha trà. Đổi lại, họ lấy bã trà mà người ta mới pha một nước để thử. Mỗi phiên, mỗi người gom được khoảng 20kg đến 30kg bã. Họ vắt khô nước, đóng bao mang về phơi khô, cho cám trà ngon vào sao lại (5kg bã trà sao được 1kg trà khô) rồi bán với giá 40 ngàn đến 50 ngàn đồng/kg cho những người buôn trà để pha trộn hoặc bán cho những người bán quán nước. Cũng có người bán luôn bã trà ướt chó các cơ sở sao trà với giá 10 ngàn đồng/kg. Đây chính là loại mà dân trong nghề gọi là trà ướp xác.

Ngoài ra, họ được mỗi người bốc cho một nắm trà khô bỏ vào cái hộp để trên mặt bàn, mỗi phiên cũng được 1kg. Có người cũng thử và mua trà như những người buôn khác.

Tiêu chuẩn trà ngon

Người đi buôn trà rất sành, chỉ nhìn màu nước, ngửi hương là phân biệt chính xác từng loại trà ở những đâu mang đến. Thậm chí họ còn biết trà bón phân hữu cơ hay phân hóa học, tra sao đúng độ hay quá lửa. Trà sao quá lửa thì nhiều cám, cánh không đều, nước đục, hương không dậy.

Vậy thế nào thì được gọi là trà ngon?

Mỗi vùng mỗi vẻ

Đánh giá về độ ngon của trà thì mỗi người một ý, tùy thuộc vào sở thích và khẩu vị của từng người. Có người nói “Chè ngon thì bã xanh đều, nước trong xanh, cánh nhỏ.”, người lại nói “chè ngon nước phải xanh vàng, hương thơm, uống có vị đậm, rau chè sau khi pha đều nhau.”; “nước phải vừa xanh vừa sánh.” Ông Nguyễn Tất Nam, xóm Quỳnh Hội, xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có một mẫu trà, trà là nghề gia truyền của gia đình ông từ 50 năm nay và ông cũng đã có 30 năm tuổi nghề. Ông tự hào: “Nhà tôi làm chè nhưng trong nhà không bao giờ có được một yến chè vì làm đến đâu người ta mua hết đến đấy.” Những gói chè mang thương hiệu Quang Vinh (tên con trai ông) của gia đình ông đã bay đi khắp cả nước chinh phục những người yêu trà. “Không có làng chè nào ở Thái Nguyên mà tôi chưa đi,” ông cho biết. Đi để giao lưu, để mở mang tầm mắt, để học hỏi kinh nghiệm rồi về xóm ông áp dụng vào nghề trà của gia đình và chia sẽ với bà con xóm giềng. Theo ông, nếu bón trà bằng đạm thì lá tốt nhưng uống đắng. Trà trồng bằng cành thì nước xanh nhưng vị không đậm, không ngọt hậu. Trà trồng bằng hạt nước hơi vàng, uống đậm, ngọt hậu, người nào biết uống sẽ rất thích.

Thậm chí, người sành trà còn nhận ra trà của từng vùng. Ông Nam tấm tắc: “Tôi phục tài đánh hương của dân Tân Cương. Cả hội trường ngồi đầy người, họ pha một ấm chè là thơm ngào ngạt mùi cốm non.” Những người sành trà đều cảm nhận được sự khác biệt riêng có của trà Trại Cài: búp trà cứng, khi pha, hương cốm bốc lên thơm ngát. Rót ra chén, nước vừa xanh vừa sánh. Cầm chén trà nhấp một ngụm, đầu lưỡi chạm vào vị chát đậm, rồi chuyển sang vị ngọt và lan dần xuống cuống họng. Dư vị ngọt ngào sau đó như vẫn còn mãi.

14/11/2015.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon