Du nhập vào phương Nam bao la trời mây, sông nước, xanh ngát những cánh đồng dài bất tận chân trời, khí hậu ôn hòa, một năm hai mùa mưa nắng là thứ thức uống khoác lên tên gọi cả một miền văn hoá trà không cầu kỳ nhưng tinh tế, không bày biện nhưng thật lòng. Uống trà mang lại niềm hạnh phúc đơn sơ, nhưng đầy bình an và tao nhã trong cõi tâm hồn.
Chén trà hiện hữu vùng đất này cũng hào sảng như chính tâm tình những người đi mở cõi, đầu đội trời, chân đạp đất, vượt sông, phá rừng, dựng làng, lập đất… Chén trà ấy rót tràn, uống trong bát lớn, ly to, đựng trong bình tích, ủ trong trái dừa, thời trà lúc nghỉ buổi đồng trưa, khi xong ngày gặt, lúc đàn ca tài tử, hay đập lúa buổi chiều tà…
Vị trà Sài Gòn
Dạo quanh những quán trà ở Sài Gòn, điều dễ thấy là khi dùng các loại trà cổ truyền như: trà xanh, trà lài, trà sen, trà móc câu, trà cỏ ngọt, trà quế… khách sẽ dùng cùng những thức ngọt phù hợp như: bánh đậu xanh, bánh su sê, bánh in; chè hạt sen, chè bắp, chè bà ba nước dừa… Cũng có khi người ta dùng các loại trà dược thảo, như: trà nhân trần, trà linh chi, trà tim sen, trà rong biển hoặc trà giải khát như trà đào, trà chanh, trà táo…
Trà sen thức uống thanh tao, nho nhã.
Người Sài Gòn dần tìm ra những điều lý thú khi đến với chén trà. Nhiều quán trà ở Sài Thành ta thường bắt đầu vào chập tối và kết thúc vào 22 giờ 30 mỗi tối. Chỉ ít giờ đồng hồ mỗi ngày được trích ra trong quỹ thời gian eo hẹp của cá nhân. Uống trà vì vậy còn là sự nghỉ ngơi của thân thể. Nhưng nâng tách trà lên mà không có bạn trà phải làm sao đây? Uống trà phải có người đàm đạo, tâm giao. Bên tách trà, cuộc sống đã mở ra bao công việc đã bàn, bao vướng mắc đã giải, bao tâm sự đã được sẻ chia… Thế mới hay trà đâu chỉ là một thức uống như thứ nước đun sôi để nguội thông thường. Người ghiền trà còn tính đến công dụng của những tách trà. Có thể là sự bổ dưỡng, mát gan của trà hạt sen, là thông cổ trị cảm nắng của trà bạc hà, là giải nhiệt của trà khổ qua..
Người trẻ và trà truyền thống
Uống trà là một nghệ thuật, phải có một không gian tĩnh lặng, một thời gian tương đối… và típ người uống trà cũng hoàn toàn khác biệt. Trong hình dung và trí nhớ của chúng ta, họ là những người đứng tuổi, hướng nội, thâm trầm, nho nhã, kín đáo, một người hoàn toàn khác xa những cô gái nhuộm tóc xanh đỏ, môi trầm… Ít ai hay, bạn trẻ nơi này cũng đã đến quán trà rất nhiều. Và một cái lạ nữa, những cô gái, chàng trai từng đi du học ở trời Tây về rất muốn tìm đến các quán trà. Thử ghé qua một số quán trà ở quận 1, quận 3, quận 5 thì sẽ rõ. Có lẽ hình dung của chúng ta đã sai lệch khi nghĩ rằng chủ nhân của những quán trà phải là người lớn tuổi. Công bằng mà nói, đó là nếp nghĩ rồi. Nhưng đã đến lúc thực tế cuộc sống dạy ta nên suy nghĩ lại.
Người trẻ ngày nay uống trà không chỉ đơn thuần là uống một tách trà mà còn là mối quan tâm đến xu hướng của trà trên thế giới, đến không gian của bữa trà và đến sự phong phú, đa dạng trong hương thơm trà.
Trà thảo mộc là một trong số những loại trà được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bởi lẽ, loại trà này đa phần được làm từ hoa quả khô hoặc cây thảo mộc có mùi rất thơm mà không chứa nhiều cafein gây kích thích như các loại trà vị đắng. Trà thảo mộc được pha trong ấm thủy tinh, cho phép người ta nhìn ngắm những bông hoa, quả bên trong, sự biến đổi màu đậm dần của ấm trà, cảm nhận hương vị của nó trước khi uống.
Trà hoa Việt Nam.
Tuy có nhiều loại trà “trẻ” vậy nhưng trà truyền thống vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng giới trẻ. Tại nhiều quán trà Việt truyền thống ở Sài Gòn, vẫn có những bạn trẻ tìm đến để học tìm hiểu về nghệ thuật pha trà theo lối truyền thống.
Giờ đây, giới trẻ cũng tận hưởng thú vui này để có những giây phút sống chậm thư thái. Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, đòi hỏi mỗi người đều phải bước thật nhanh để đuổi kịp được nhịp sống. Mỗi chúng ta đều mong muốn có những phút giây được thư giãn, sống chậm để lắng nghe những âm thanh đẹp đẽ vốn có mà cuộc sống mang lại.
Trà cổ thực sự kén người thưởng thức. Uống trà truyền thống đang dần xuất hiện trong giới trẻ, tạo nên một phong cách mới, thể hiện thôi thúc tìm về những giá trị xưa cũ, về cội nguồn, bản ngã của mình.
Nhắc tới trà Việt, xưa nay nổi tiếng nhất là trà Thái Nguyên, trà Mộc Châu hay những địa danh ở miền núi phía Bắc. Một địa danh mới dành cho giới trẻ là Huế. Mảnh đất kinh kỳ xưa nay vốn nổi danh với các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật uống trà cung đình.
Trước đây trà cung đình là một thức uống không thể thiếu trong hoàng cung. Trà được chế biến theo một bí quyết riêng của chốn cung đình như chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” thảo dược đúng với luật âm dương. Trong trà cung đình, mỗi loại thảo dược có một công dụng riêng giúp cho việc bảo vệ thân thể. Đây là một loại trà hiếm có ở Huế cũng như ở Việt Nam.
Sống xanh & yên tĩnh như những lá trà
Những quán trà dành cho người trẻ mang đến không gian yên tĩnh song cũng hiện đại, trẻ trung. Đây còn là không gian sống xanh được nhiều người yêu thích.Như ống hút nhựa, đồ nhựa dùng một lần, sản phẩm từ động vật hoang dã đều bị khước từ. Bàn ghế, đèn trang trí… đều làm từ mây tre, gỗ nhằm tạo cảm giác ấm cúng và thuần Việt. Có tiệm trà mà các đồ vật trong quán đều là đồ tái chế. Đó là chiếc sofa cũ kỹ được khéo léo trang trí, bao bọc lại bằng những tấm vải đầy ngẫu hứng, bồn rửa tay được tận dụng từ chậu cây, chiếc gối tựa lưng may từ vải cũ và ruột gối cũng chính là quần áo cũ.
Sống Xanh Như Những Lá Trà của tác giả Toshimi A. Kayaki.
Có bao nhiêu bước chân thì có bấy nhiêu lý do để người ta bước vào quán trà. Sài Gòn giàu có và phồn hoa nhưng lại nghèo về không gian, đặc biệt là không gian riêng, khác biệt. San sát nhà, san sát tường… những mảng màu sáng chói và nặng nhọc oằn mình dưới cái nắng 28-35 độ C. Nắng Sài Gòn trong thơ của Nguyên Sa, chợt dịu lại khi gặp tà áo lụa Hà Đông. Giữa thời tiết nóng như có kim châm vào da thịt, giữa ngồn ngộn xe cộ, người người hối hả ngược xuôi thì những khoảng không gian, trữ tình, mát rượi nói đến đã thèm thuồng… Huống chi ta được thả mình vào một không gian yên tĩnh. Bên tách trà, bạn có thể ngồi một mình mà không sợ những ánh mắt dị nghị. Nếu thường xuyên lui tới những quán trà, bạn sẽ thấy rất nhiều người ngồi một mình. Chẳng qua họ muốn nhâm nhi cuộc sống.
Có những vị khách tới tiệm trà để chiêm ngưỡng những bộ trang phục của người Việt xưa trong một khung cảnh cũng rất xưa, tôi được nghe ca trù, chầu văn, quan họ, được nghe âm thanh của chợ làng quê Việt Nam. Quả vậy, kiến trúc và gam màu ở những quán trà khác hẳn những quán cà phê thông thường. Một không gian tĩnh lặng, đó là điều đầu tiên người ta thấm được. Gam màu mà các quán trà dùng đến là gam màu nhẹ và tối.
Người Sài Gòn uống trà
Dân quê tôi thời đó thường uống một loại trà có tên là bánh ú. Trà bánh ú dở ẹt, được mấy ông Các Chú ở tiệm chạp phô gói trong miếng giấy đỏ hình cái bánh ú. Nhưng nếu so với trà củi thời bao cấp, trà tẩm hương liệu hóa chất thời nay thì trà bánh ú vẫn ngon và an toàn hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là người quê tôi không có văn hóa uống loại trà thượng hạng. Người Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các tỉnh ven đô thị này vẫn có các loại trà nhất hạng như Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào, Trúc Diệp Thanh… Từ ảnh hưởng của văn hóa Hoa kiều – Minh Hương, có mấy ai không biết thưởng thức trà ngon. Nhưng tánh khí người miền Nam hào sảng mà không cầu kỳ, uống trà ngon là để biết thấu đến tận chất quý của vị trà, hương trà; còn việc chế ra những cách thức pha, cung cách uống hay dựng bối cảnh thưởng trà thì không hợp với đời sống giản dị, chân chất của dân xứ này.
Chúng tôi ôn lại chuyện gia đình thân thuộc của mình và phát hiện ra việc cúng trà với uống trà của người miền Nam là hai chuyện khác nhau. Cứ mỗi dịp Tết hoặc nhà có đám lớn, người miền Nam dù nghèo rớt vẫn mua cho được gói trà, hộp trà ngon để pha cúng trên bàn thờ.
Đám con nít chúng tôi hễ bị sai đi tiệm xa, chợ huyện mua trà ngon là bực mình vì không hiểu cái lý, cái tâm của việc dâng cúng trà ngon. Sau này, tìm hiểu được ý người lớn chúng tôi mới hay rằng, người nông dân hoặc người tỉnh lẻ bình dân làm gì có điều kiện mà đốt hương trầm cho cõi trên, những thoáng hương trà ngon của gia chủ là lòng thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Tôi tin rằng văn hóa dâng trà ngon lên Trời, Phật, tổ tiên rồi chọn cho mình ba cái thứ trà dở là đáng trọng, đúng với cốt cách khiêm nhường, giữ lễ của người quê tôi. Có cách gì, nghi thức gì trọng trà ngon cho bằng việc cung hiến trà ngon lên các bậc hiển thánh, tổ tiên?
Thậm chí người quê tôi sau khi dâng cúng trà ngon không cho phép mình hay người trong gia đình đặt môi uống trà cúng, họ trịnh trọng rưới lên mặt đất như một nghi thức sau cùng kính tưởng đến người khuất mặt khuất mày.
Trở lại với những thương hiệu trà nổi tiếng của Sài Gòn, để biết nhu cầu uống và cúng trà ngon của người Sài Gòn chúng ta nên nhớ lại rằng, một phần quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh ngày nay là vùng nguyên liệu trồng lấy hoa ngâu, hoa nhài, hoa sen để ướp trà. Các thương phẩm trà ngon do các chủ người Hoa giữ bí quyết không chỉ bán cho người miền Nam mà còn xuất qua các nước Đông Dương, Hong Kong, Đài Loan.
Có nhiều người coi trà là đạo, coi trọng các trường phái trà nhập khẩu, đã võ đoán cho là người miền Nam, dân Sài Gòn không có văn hóa trà. Không cần phải giải thích cũng dễ hiểu khi mà người dân ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như người miền Nam coi trà như một thức uống giải khát đơn thuần. Có gì sảng khoái hơn khi sống giữa khí trời phân biệt rõ rệt hai mùa mưa, nắng mà dùng trà để giải cảm thân nhiệt, dùng trà để ấm tấm lòng. Người miền Nam không coi trọng thú uống trà hay nghệ thuật trà mà rất giản dị, coi trà như một thức uống gần gũi, thân thiết. Chẳng phải đến với trà với sự nhiệt tình như vậy chưa đủ thấm thía cốt cách của giá trị dưỡng sinh tinh túy từ trà hay sao!
Người Sài Gòn xưa uống trà như thế và người Sài Gòn nay hầu như uống trà cũng chẳng khác nhau gì. Vẫn là giao thoa văn hóa giữa phương Đông với phương Tây, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Sài Gòn tiệm trà xuất hiện nhiều hơn, hầu như chợ nào cũng có các tiệm trà lớn và đầy đủ các loại trà. Trà có đủ loại từ Đông Bắc, Tây Bắc cho đến trà các vùng châu thổ sông Hồng. Trà lài Quảng Nam, trà đen Phú Yên, cho đến trà B’Lao ướp hương, trà Ô Long cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng… và đặc biệt nhất nhưng giờ ít ai biết là người Sài Gòn vẫn còn uống trà trồng và sản xuất ngay sát cạnh Sài Gòn. Đó là Trà Phú Hội ở Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Bộ bình trà gốm Lái Thiêu.
Ngược lại, bình trà ở xứ tôi thì bình nào cũng đẹp: người bình dân thì xài bình gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, người sang thì bình sứ Tây, Nhật. Vào cái thời vật dụng của người nhà quê miền Nam không chuộng cầu kỳ thì hoa văn, họa tiết của những bộ trà đúng là tác phẩm nghệ thuật ưng ý.
Hôm trước bạn Việt kiều hỏi tôi có nhớ bình trà ông Tiên – trái đào đựợc giữ ấm trong vỏ trái dừa khô không? Đúng là ở quê tôi, bà con nghèo ưa giữ ấm trà bằng vỏ dừa, nhà có của thì bỏ bình trà vào hộp gỗ.
Về cái vỏ dừa đựng bình trà thì có lẽ khắp thế giới chỉ quê tôi là bưng cả cái vỏ dừa khô ra rót trà mời khách.
Nhưng Sài Gòn của hội tụ, của vội vã, của năng động không chỉ có từng ấy những kiểu trà xưa lơ xưa lắc, mà Sài Gòn còn có một đặc sản trà rất khác đó là trà đá. Trà đá không có gì là quê mùa hay kém văn minh, mà trà đá rất gần gũi, rất cộng đồng, rất nhân văn, vô cùng phù hợp với tính khẳng khái và hào hiệp của người Sài Gòn. Buổi trưa nắng oi bức, giờ cơm trưa chính là giờ nghỉ ngơi của giới công chức lẫn người lao động chân tay vất vả. Thì ly trà đá mát lạnh, thơm tho và đầy ắp, chính là cứu cánh nhiệm mầu mang lại sự sảng khoái, thoải mái cho những cái đầu và đôi tay mệt mỏi mới thấy hết cái nghĩa tình phương Nam đáng để thương để nhớ trong lòng.
Nguồn: Không gian gia vị Sài Gòn & TH.