Văn hóa trà Việt chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn có những nét riêng của mình và dần trở thành một nét văn hóa thưởng trà. Đó là cách uống trà bình dị, gần gũi, mộc mạc những cũng rất tinh tế, phù hợp với bản sắc văn hóa của mình. Cái bình dị, mộc mạc đó là ngồi nhâm nhi một ly trà xanh giải khát dưới mái hiên nhà trong những buổi trưa hè nắng nóng hay ấm áp trong những đêm đông giá rét.
Trà đạo Việt Nam?
Cái đạo trong trong trà đạo Nhật Bản lấy thiền làm gốc, chính là giá trị tinh thần qua bốn chữ: Hòa – Kính – Thanh – Tịch; nghệ thuật này đã đạt đến đỉnh cao trở thành một nét văn hóa tôn giáo trong nghệ thuật thưởng trà.
Không khắt khe phức tạp, cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản. Trong trà đạo Việt, chữ đạo được hiểu là con đường, là phong cách uống trà của người Việt. Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, người nhỏ pha trà mời người lớn, gia chủ pha trà mời khi khách đến chơi. Pha một ấm trà nóng người ta có thể ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự.
Nước trà sóng sánh vàng xanh, hương trà tự nhiên thơm ngát, vị chát đắng ban đầu là nỗi gian lao, vất vả của những người lao động trồng trà. Sau vị ngọt mát chính là tâm hôn của người Việt, trọng nghĩa, trọng tình, giàu tình cảm. Vì vậy, chén trà là cả một bản sắc văn hóa tinh tế của mình, tạo nên một phong cách Trà Việt độc đáo. Như G.S Trần Ngọc Thêm nói: “Người Việt Nam mời nhau uống trà không phải đơn thuần là để giải khát, mà là để biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người đối thoại. Người Việt Nam mời nhau uống trà là để bắt đầu một lời tâm sự, để bàn chuyện gia đình, xã hội, chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy trong chén trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây và muôn vật.
Từ xưa, những tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói “nhất thủy – nhì trà – tam bôi – tứ bình – ngũ quần anh” cũng phần nào nói lên được phong cách của trà Việt.
Chén trà Việt Nam.
Phong cách mời trà của người Việt cũng lắm công phu. sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau, tạo thành một hình tròn. Điều này ngoài giúp cho việc rót trà dễ hơn, nó còn hàm ẩn cả cái đạo của trà Việt. Các chén nằm sát nhau thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, cái tình làng nghĩa xóm khi mời nhau chén trà. Hình tròn của các chén xếp thành thể hiện mong muốn viên mãn, đầy đủ.
Nếu rót trà theo hình tròn của các chén, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi lại vòng ngược lại đến đầu, điều này làm cho trà không có sự chênh lệch đậm nhạt giữa chén đầu và chén cuối. Ý nghĩa của nó là thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong sự hưởng thụ tinh tuý của thiên nhiên.
Đạo của trà Việt hẳn không phải là nghi thức tựa như nghi thức tôn giáo như của người Nhật Bản, và lại càng không phải ở cái cách thức pha. Nghĩ về đạo của trà Việt, không thể không nghĩ đến tâm hồn người Việt, người Việt không ưa lý luận, biện bác. Phải chăng, vì tâm hồn người Việt vốn bình dị, chân chất, nên người Việt không có truyền kỳ về trà? Có người nói, nghệ thuật ướp trà hương của người Việt là một tuyệt kỹ, khi nghệ thuật ấy gặp được người thưởng trà biết trân quý – đó là đạo…
Lại có một câu chuyện kể rằng, khách đến viếng một trà thất, chủ tiếp đón theo nghi phong trà đạo, còn khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ thuyết trình về trà đạo, về cách pha và phong thái uống trà… Nghe xong khách nói: “À thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ”.
Nghệ thuật thường trà của người Việt
Phong cách dùng trà của Việt Nam không hề bị ảnh hưởng của Tàu hay Nhật như quan niệm của nhiều người. Nghệ thuật thưởng trà phản ánh phong cách văn hoá ứng xử của người Việt Nam. Trong gia đình truyền thống, người nhỏ pha trà mời người lớn, phụ nữ pha trà mời các ông.
Người ta có thể thưởng trà trong yên lặng suy ngẫm như để giao hoà với thiên nhiên, như để tiếp cận giữa con người với môi trường, như để nhận xét, để thảo hoạch những dự án phúc lợi cho đại chúng. Khi đã trở thành thói quen rồi thì khó mà quên được. Trà đồng nghĩa với sự tỉnh thức, sáng suốt, mưu cầu điều thiện, xa điều ác.
Theo truyền tụng, hình thức dùng trà được khởi nguồn từ các chùa chiền gọi là Thiền Trà. Các nhà Sư thường dùng trà trước các thời công phu sớm chiều. Cuộc đời trần tục nhiều hệ lụy, trà giúp cho con người tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, xoá tan cảm giác tĩnh mịch chốn thiền môn. Ngày nay chỉ còn ngôi chùa Từ Liêm ngoài Bắc là giữ được nghi thức Thiền Trà này.
Sau đó, trà được ưa chuộng trong giới quý tộc, trong cung đình như là một bằng chứng của sự quyền quý, để phân biệt với giai cấp thứ dân trong xã hội phong kiến.
Kế đến, trà chinh phục các tầng lớp trung lưu, nhất là các nhà Nho, các chú học trò “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, mượn bộ ấm trà để bàn luận văn chương thi phú, để tiêu khiển giải trí sau những giờ điên đầu vật vã với tứ thư ngũ kinh.
Do đó, dần dà thưởng trà là một lối tiêu khiển thanh đạm được tất cả mọi giới ưa chuộng. Pha trà mời khách cũng phải tốn nhiều công phu hàm dưỡng và trở thành một nghi thức. Trà-phong Việt Nam thật là trân trọng ở cách dâng mời nhiều ngụ ý. Dù mưa nắng, sớm chiều, buồn vui khách không thể từ chối một chung trà trong khi gia chủ trang trọng hai tay dâng mời.
Mời trà là một hành vi biểu hiện phong độ thanh nhã và hiếu khách của hầu hết các gia đình Việt Nam. Kỵ nhất là tiếp khách bằng những tách trà còn đóng ngấn hoen ố nước trà cũ. Cũng không bao giờ tiếp khách bằng một ấm nước trà nguội. Tách trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tối thiểu nhất, không thể tuỳ tiện coi thường, dù không nhất thiết phải là loại trà thượng hảo hạng.

Chén Hồng trà Shan dậy mùi chín của trái cây rừng.
Khi dùng trà cũng phải uống từ ngụm nhỏ, để cảm nhận hết cái dư vị thơm ngon của trà, cái hơi ấm của chén trà tỏa vào hai bàn tay ấp ủ nâng chén trong muà đông tháng giá, làm ấm lòng viễn khách. Dùng trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hoá và cảm tình cùng người đối thoại. Trong ấm trà ngon, người cùng uống tâm đầu ý hợp, dưới ánh trăng thanh gió mát, ngắm khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng mà luận bàn thế sự thì không còn gì thú vị hơn nữa. Chỉ có những tao nhân mặc khách mới thưởng thức được trọn vẹn cái phong vị của cách dùng trà này, chứ không phải như kẻ phàm phu tục tử bưng ly trà to tổ bố lên uống ừng ực, người ta gọi là “ngưu ẩm” hay là uống như trâu uống nước.
Ngoài các lối dùng trà đơn giản đến cầu kỳ trong các gia đình Việt Nam, các cụ ngày xưa còn có những hình thức hội trà. Ðó là dùng trà thưởng xuân, dùng trà thưởng hoa, dùng trà ngũ hương. Hội trà là tụ họp những người bạn sành điệu cùng chung vui trong các dịp đặc biệt hoặc có hộp trà ngon, hay có một chậu hoa quý hiếm trổ bông, hay trong nhà có giỗ chạp.