Đối chiếu trà Việt Nam & Trung Hoa

Lượt xem : 445 lượt xem

     Những người phương Đông ngay từ khi tìm ra trà thì đã coi Trà như là 1 phương thức để tu tâm, dưỡng tính và cao hơn nữa là 1 phương thức để hành đạo. Hai nôi trà Việt -Trung đều hướng đến 4 chữ: “HÒA, KÍNH, THANH, TỊNH”

Chén Bạch trà Shan Suối Giàng Yên Bái

Thưởng Bạch trà Shan Suối Giàng

HÒA là sự hòa hợp: giữa chủ trà với khách trà, giữa con người với con người, đôi khi là tìm kiếm sự hòa hợp, giao cảm với thiên nhiên, đất trời.

KÍNH chính là sự tôn kính và kính trọng.

THANH là chỉ sự thanh khiết, sự sạch sẽ, cả về dụng cụ pha trà, không gian thưởng trà và hơn cả là sự thanh khiết về tâm hồn. Uống trà để tẩy bụi trần.

TỊNH là sự tịnh tâm, chúng ta uống trà để thấy tâm hồn mình sâu lắng, thấy được những trộn rộn của cơm áo gạo tiền, những căng thẳng của cuộc sống đời thường mình gạt bỏ đi được.

“Trèo lên đỉnh núi gỡ mây
Ra sông vớt ánh trăng lay giữa dòng
Núi là núi, sông là sông
Thiền là một chén trà nồng trên tay.”

Trà đều được sản xuất từ lá của cây trà Camellia sinensis. Chúng thường được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có lượng mưa tối thiểu là 127 cm mỗi năm. Khí hậu ẩm ướt và nhiều nắng ấm là hai yếu tố chính.

Điểm khác

Trà Trung Quốc thì giống như một cô gái thành thị đỏm dáng, mỗi khi cô bước ra phố thì cô mặc váy ngắn, váy dài, xịt nước hoa thơm lừng và mỗi bước chân ngúng nguẩy của cô trên phố thì đều gây cho người ta những sự thích thú về mắt.

Trà Việt Nam thì giống như một cô gái nông thôn, rất giản dị, rất chân chất. Nhưng cô ấy lại chinh phục với mọi người bằng chính những vẻ đẹp chân chất và giản dị đó.

Sự khác nhau giữa trà Trung Quốc và trà Việt Nam là từ cách thức chế biến trà. Quy trình chế biến của trà Trung Quốc và Trà Việt cũng rất khác nhau dẫn đến hương vị trà của mỗi nơi lại có những đặc điểm khác nhau.

Trà đen vùng Vân Nam

Chén trà đen vùng Vân Nam

Điều đặc biệt là trà trung quốc ở từng mùa sẽ có hương vị khác nhau, chỉ trà được sản xuất vụ đó mới có đúng hương vị đấy. Đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa trà Trung Quốc và Trà Việt Nam.

Hương

Trà Trung Quốc rất chú trọng hương thơm. Đa phần trà ở Trung Quốc đều có hương thơm thanh tao, lôi cuốn, đặc biệt trong một hai nước trà đầu tiên.

Trà Việt Nam mặc dù cũng có hương thơm, ví dụ hương lúa đòng đòng ở chè Thái Nguyên, tuy nhiên hương thơm không phải là một yếu tố quan trọng như trà Tàu.

Vị

Trà Việt Nam thì luôn luôn phải đậm đà từ tiền vị cho đến hậu vị. Khi uống trà việt bạn sẽ cảm nhận được được vị đắng chát trong miệng đến hậu vị ngọt trên đầu lưỡi.

Trà Trung Quốc thì có vị rất nhẹ nhàng và những hương thơm đặc trưng của từng loại trà do quá trình chế biến mà có. Bạn sẽ từ từ cảm nhận được hương thơm nhẹ nhàng và hậu vị ngọt trên đầu lưỡi.

Cách dùng

Người Trung Quốc sử dụng trà gần như mọi lúc mọi nơi, tiếp mọi loại khách. Khách càng quý thì dùng trà càng cao cấp.

Trà Việt nếu loại còn nhiều chất chát tannin thì không dùng được ngay sau bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ, lúc đói cũng không nên dùng.

Khi pha trà trung quốc thì thường sử dụng nước đun sôi để nguội còn khoảng 85-95 độ C và thời gian ngâm trà rất ngắn khoảng 1 phút đến 1 phút 30s là phải rót ra uống. Tránh ngâm trà quá lâu sẽ làm cho trà bị cháy và mất đi cái hương vị thơm ngon, nhẹ nhàng của nó.

Còn đối với trà Việt thì cần sử dụng nước sôi 100 độ để pha và ngâm trà càng lâu thì vị của trà càng đậm đặc.

Trà Việt tóm gọn trong một chữ “Mộc”, tức mộc mạc, giữ nguyên sự đậm đà vốn có của trà tự nhiên. Còn trà Trung Quốc thiên về tính “Mỹ”, tức pha trà phải biểu diễn cầu kỳ,trọng những yếu tố hình thức như mùi hương, ấm chén đẹp….

Tất nhiên trà Việt cũng có loại giống trà Tàu và trà Tàu cũng có loại có đặc điểm giống trà Việt. Nhưng nhìn chung nếu bạn yêu cái chất thực sự của trà, hay quý trọng cái bản tự nhiên, sự mộc mạc vốn có của nó, thì hãy chọn trà Việt. Nếu bạn thích cái nhẹ nhàng, mùi hương thơm, vị đầu lưỡi không chát thì trà Trung Quốc sẽ phù hợp hơn.

TH.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon