“Giấc trà” Phú Hội

Lượt xem : 1,168 lượt xem

       “Trà Phú Hội, nước Mạch Bà

       Sầu riêng An Lợi, chuối già Long Tân

       Cá buôi, sò huyết Phước An

       Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Tam An…”

    Về đến vùng đất Phú Hội, hỏi đến một loại đặc sản nơi đây thì ai cũng nhắc đến một thức uống nổi tiếng xưa nay đó là Trà Phú Hội. Dù nấu lá uống tươi hay uống trà đã sao, phơi khô cũng đều thơm ngon, đậm đà hơn hẳn trà ở nơi khác.

Rất nhiều người sành uống vẫn thường truyền miệng câu nói của ông cha xưa để lại: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội” để ca ngợi về dòng nước quý pha kèm với trà Phú Hội, thơm ngon, đậm đà, thanh khiết. Và họ đã cố gắng sở hữu cho mình đặc sản trà Phú Hội đem về uống hoặc biếu người thân. Bởi trà Phú Hội rất đặc biệt, khi pha lên có vị thơm mát ngọt dịu kèm màu đỏ hổ phách rất đẹp khiến người thưởng trà cảm thấy ấm áp, thoải mái vô cùng.

Vườn trà ở Phú Hội

Phú Hội – Nhơn Trạch giáp với Sài Gòn về hướng Tây Nam, có diên tích khoảng 409,17km. Đa phần là người Việt và người Hoa sinh sống.

Nói về trà Phú Hội, Địa chí Đồng Nai ghi là: “Không rõ, trà ở xứ Đồng Nai xuất hiện từ khi nào”. Qua lời kể bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Quốc (102 tuổi, ấp Đất Mới) hóm hém bộc bạch, cây trà có ở Phú Hội trước khi bà ra đời. Bà không biết rõ giống trà được đem về trồng ở vùng đất Phú Hội từ năm nào, chỉ biết được thời đất nước còn kháng chiến chống Pháp, cây trà đã xanh um và nghề hái trà, chế biến trà thủ công đã xuất hiện, phát triển mạnh cho tới năm 1975. Viện dẫn từ Gia Định thành thông chí: “Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon…”. Trong Địa chí Đồng Nai cũng nêu rõ: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội” là thức uống nổi tiếng xưa nay”.

Nước Mạch Bà

Sở dĩ trà nơi đây trồng ngon hơn nhiều hộ khác bởi diện tích trà được trồng trên gò cao, nơi có một “mạch bà” chảy vắt qua nên búp lên đều, ngọn mập, lá không bị héo kể cả mùa khô.

Nước Mạch Bà

Càng gần với suối Mạch Bà, cây trà càng tươi tốt, lá xanh bóng mượt mà. Người dân nơi đây trồng trà và làm trà cũng khác với những địa phương trồng trà khác. Cây trà được trồng ngoài chức năng là cây nông nghiệp, nó còn là thứ cây để trang trí hàng rào, đi vào những con “ đường trà” này sẽ có cảm giác lọt vào giữa một vùng đất khác, mát dịu, trù phú, thanh bình và thơm ngát mùi quê hương. Những con đường như thế tập trung nhiều ở ấp Xóm Hố, cũng là “vùng trà” của xã Phú Hội.

Đến Phú Hội, nghe người dân kể rằng có một mạch nước ngọt rất lớn mà từ mạch ấy sinh ra không biết bao nhiêu mạch con, cháu nên mạch nước ấy gọi là mạch Bà. Mạch nước lộ thiên hoặc chạy ngầm nhằng nhịt, rả rích khắp vùng, góp phần hình thành xã miệt vườn nổi tiếng về các loại cây ăn trái và trà. Anh Lê Hà Sơn, chủ một nhà vườn, tổng kết: “Mạch chạy qua vườn nhà nào thì chỉ cần đào xuống đất nửa thước là nước cứ tuôn trào một dòng trong vắt, mát lạnh, rất thơm và ngọt”.

Lần ngược theo một mạch nước, từ ven đường lớn, tôi đi dần dần vào giữa một vùng miệt vườn xum xuê cây trái, những mái nhà yên ả nép bên mương nước trong vắt, bao bọc bởi những hàng rào ô rô, chè tàu, dâm bụt, hoàng anh… Gặp mấy bé gái đang vùng vẫy trong làn nước mát phủ bóng dưới những tàng cây, tôi hỏi mạch Bà, một em chừng hơn chục tuổi nhảy phắt lên xe, đạp nhoay nhoáy dẫn đường. Luồn lách qua một thôi đường ngoắt ngoéo, cô bé dừng xe, chỉ một hố nước ngay bên đường bảo: “Đây chú này!” rồi vội vã quay về với chúng bạn.

Mạch Bà là miệng giếng trào lên từ lòng đất, nhìn thấy cả cái kim dưới đáy vì nó chỉ sâu chừng một mét. Ấy thế mà nước lại sạch, trong veo. Nước mạch Bà cứ nhẹ rướn mình lên khỏi lòng đất rồi rỉ rả luồn lách đến khắp vùng.

Suối Mạch Bà chảy qua Phú Hội còn có những đoạn lộ thiên được dùng làm nơi tắm rửa, sinh hoạt cho người dân miệt vườn. Nhiều nhà còn đóng giếng khai thác nguồn nước tự phun chảy này làm nước uống, tưới cây. Nước Mạch Bà trong mát và sạch sẽ, nấu sôi pha trà Phú Hội uống rất ngon miệng. Nhưng cùng giống trà ở Phú Hội mà đem trồng ở các vùng đất bị nhiễm phèn thì trà này pha chế ra dù có lấy nước ở Mạch Bà vẫn cho ra màu đen, uống rất dở. Vì vậy, chính vùng đất trồng trà có mạch nước ngầm bên dưới này mới thực sự tạo ra hương vị thơm ngon của trà Phú Hội.

Trà Phú Hội

Nếu trà Thái Nguyên mong manh, thanh cảnh, e ấp như thiếu nữ thị thành thì trà Phú Hội mộc mạc, thô ráp, đằm thắm kiểu phụ nữ thôn quê. Nhúm một nhúm lá trà đen, nham nhám cho vào ấm, tráng đổ bỏ nước đầu rồi rót nước vào ủ chừng dăm phút. Nghiêng ấm, tôi có chén nước đỏ bầm, mùi thơm thoang thoảng, uống một chén đã thấy người thư thái.

Trà Phú Hội có 3 loại: trà búp, lá, ba giảo. Tùy theo chất lượng từng loại trà mà có giá trị khác nhau.

Trà búp được người trồng trà xã Phú Hội chọn những đọt xanh mơn mởn. Sau khi đọt chè được thu hoạch sẽ được ủ, phơi sấy và tẩm ướp chung với lá sen và các loại trà khác như trà phật, lài, dứa… Còn trà lá là những lá non xanh còn lại sau khi hái đọt để chế biến trà búp. Kỹ thuật ủ, chế biến trà lá cũng bằng thủ công giống như trà búp.

Riêng trà ba giảo là những cành, nhánh non (sau khi thu hoạch búp, lá), cắt từng đoạn ngắn từ 1,5-2cm. Sau đó đem giã giập rồi phơi sấy khô làm thức uống. Loại trà này chỉ có người bình dân Phú Hội xưa kia ưa dùng vì giá rẻ. Cái tên ba giảo bắt nguồn từ cách chế biến loại trà này làm thức uống.

Ông Phạm Văn Phát (60 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội) cho biết, cách chế biến trà ba giảo của giới bình dân như sau: nước mưa hoặc nước giếng mạch Bà đổ vào 1/3 ấm đun sôi. Khi nước sôi lần thứ nhất thì bỏ trà vào rồi tiếp tục đun sôi. Nước sôi lần thứ 2 thì đổ vào ấm thêm 1/3 nước nữa rồi tiếp tục đun sôi. Nước sôi lần thứ 3 thì đổ tiếp 1/3 ấm, tiếp tục đun sôi sùng sục và đem ra dùng.

Trà Phú Hội chính gốc khi pha ra có nước màu đỏ bầm rất đẹp và có hương vị thơm ngon riêng không lẫn với các trà khác được.

Vị ngọt của trà Phú Hội không đậm gắt mà nhẹ nhàng, dịu mát. Lá trà tươi, khi hãm cho ra màu vàng xanh rất đẹp, uống ngọt hậu. Trà Phú Hội mà dùng nước mạch Bà để hãm, pha thì mới đúng điệu. Thiếu nước mạch Bà, trà Phú Hội như thiếu một nửa vị ngon. Người ta cũng đồn rằng, mang giống trà Phú Hội trồng ở các vùng đất khác thì khi pha nước, trà có màu sậm đen, uống rất nhạt. Vì vậy, chính vùng đất trồng trà có mạch nước ngầm bên dưới này mới thực sự tạo ra hương vị thơm ngon của trà Phú Hội.

Người dân xã Phú Hội thu hoạch trà

Để làm ra thứ trà Phú Hội thơm, ngon, sáng sớm khi sương còn chưa tan hết, phải ra vườn hái những búp trà non, sau đó đem phơi búp chừng 1 – 2 giờ. Khi búp trà vừa teo thì vò để búp trà xoăn lại, càng xoăn nhiều trà càng giữ được lâu. Vò xong đem trà phơi nắng đến khi khô hẳn. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Cứ khoảng 4,5kg búp xanh thì được 1kg trà thành phẩm.

Trà Phú Hội thường được làm từ đọt tươi, cứ cách 10 ngày thì hái một lần, để héo, vò cho trà săn lại rồi tiếp tục phơi khô. Xưa nay, những nhà vườn ở đây đều làm trà theo cách thủ công bởi họ cho rằng như vậy trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê.

Nói về cách làm trà từ trà tươi, chị Lê Thị Sáng ở ấp Phú Mỹ 1 cho biết: cứ cách 10 ngày thì hái lá, đọt một lần, nhưng phải biết kỹ thuật hái để cây trà phát triển, hái xong đem phơi lá và đọt, rồi vò phơi khô cho trà săn lại sau đó lựa lá, lá để riêng, đọt để riêng rồi bỏ vào chảo xào cho đến khi thơm mùi trà thì thôi. Để cho trà tăng sự thơm ngon, thì cho bông phật lài, lá ba ren trồng ở hàng rào, sắt nhỏ phơi héo bỏ vào ướp cho thấm với trà. Phơi trà được nắng thì ngon, còn nếu mùa mưa phơi không được thì phải sấy tất nhiên là giảm độ ngon của trà.

Người dân Phú Hội hái, vò rồi phơi chứ không sao tràTừ lá trà xanh có thể tạo ra nhiều hương vị khác nhau bằng cách ướp thêm bông lài, lá ren, “Ngoài trà mộc, người Phú Hội còn lấy bông, lá phật, lá dứa, lá ba ren thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với trà. Có người kỳ công thì mang sao qua cả trà cả lá ướp trên chảo gang một lượt, không thì cứ thế mang pha”. ( Bà Châu Thị Khuể, 82 tuổi, ở tổ 12, ấp Đất Mới chia sẻ kinh nghiệm)

Đến xã Phú Hội, ta sẽ gặp hình ảnh thân thuộc: Trên bàn nước ở sân, hiên nhà nào cũng có một quả dừa khô, bốn mặt được trang trí bằng những hình vẽ đẹp mắt như rồng vờn mây, chim đậu cành mai, nai ngơ ngác giữa rừng già… Nhẹ tay mở nắp quả dừa ra, ta sẽ thấy bên trong là chiếc ấm tích, nhấc ấm, nhẹ nghiêng vòi, một dòng nước đỏ au chảy ra ly, hương thơm lừng lan tỏa, nhấp một ngụm, cổ họng ngọt thanh, người nhẹ nhõm.

Cũng theo lời bà Khuể, bà Phạm Thị Bờ, ông Lê Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Dội… và những bô lão trên dưới 90 năm hưởng tuổi trời, thì trà Phú Hội là các nơi họ gọi, chứ bà con nơi đây gọi là trà Tàu. Từ thuở khai hoang lập ấp đã có cây trà rồi. Cách đây gần 200 năm, diện tích trà tính ra lên đến hàng trăm héc ta. Xưa nhiều vườn chuyên canh trà có thể hái ba lứa mỗi tháng. Thợ giỏi hái bằng cả hai tay, có thể được 20 cân trà mỗi ngày. Nổi tiếng nhất là lò trà của ông Tám Yến – một người Việt gốc Hoa. Đây là lò duy nhất trong xã có sử dụng máy vò, sấy trà. Trà loại ngon được đem lên bán trên Biên Hòa, Chợ Lớn. Những hãng trà ở nơi này cũng lấy trà nguyên liệu Phú Hội rồi chế biến theo công thức riêng để bán khắp nơi.

Đây chính là nét đẹp truyền thống của miền quê Nhơn Trạch nên tôi muốn bản thân và con cháu cố gắng giữ gìn. Mỗi một cọng trà là tâm huyết là tình cảm mà chúng tôi gửi gắm vào đó vị ngọt của quê hương đến với người thưởng thức. Mong là trà Phú Hội vẫn mãi giữ được giá trị sẵn có của mình và ngày càng được nhiều người biết đến.

Hương vị trà Phú Hội rất đặc trưng và không lẫn với các loại trà nổi tiếng khác

Người dân Phú Hội thưởng thức trà là một nét sinh hoạt truyền thống và phổ biến. Nhà nào cũng có trà, cũng uống trà. Họ uống vào buổi sáng cho tinh thần sàng khoái bắt đầu một ngày làm việc mới và để thưởng thức cái hương vị rất riêng của trà quê hương. Uống trà buổi trưa sau giờ làm việc thấy người khỏe mạnh. Uống trà buổi tối để ngon giấc ngủ…

Mạch Bà nước vẫn chảy rì rầm trong veo, đường làng Phú Hội vẫn xanh tán lá… 100 năm nữa biết có còn chăng vùng trà từng nổi tiếng của xứ Đàng Trong!

TH.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon