Nét “Thuần Việt” đang xói mòn

Lượt xem : 415 lượt xem

      Điện ảnh Việt Nam đang mang tính trào lưu, nhất thời, dễ khiến người xem nhàm chán, giá trị vay mượn không thể tạo sự bền vững bởi khi yếu tố mới lạ, tâm lý tò mò qua đi, khán giả mỏi mắt tìm về giá trị văn hóa, con người “thuần Việt”.

Phóng viên báo nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Lâm, một đạo diễn, biên kịch và Giám đốc Nghệ thuật trường Điện ảnh Pháp IDHEC về điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Giáo sư Lê Lâm

A. Bắt chước quá nhiều

+ Vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo hạng mục phim ngắn tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014, ông đánh giá như thế nào về điện ảnh Việt Nam hiện tại?

Điện ảnh Việt là một trong những nền điện ảnh tôi quan tâm nhất. Tôi định cư ở Pháp đã lâu nhưng chưa bao giờ cắt đứt sợi dây nối với điện ảnh trong nước. Vì vậy, trong lần trở về này, tôi rất đau lòng khi chứng kiến sự lụn bại của điện ảnh nước nhà.

Điện ảnh Việt đang tự đánh mất mình trong dòng chảy của điện ảnh thế giới. Hay nói cách khác, có hòa nhập nhưng bị hòa tan mất rồi.

Tiếc một điều, điện ảnh Việt Nam có nhiều thứ để làm thế giới kinh ngạc. Nhất là về đề tài, quá nhiều đề tài có thể tạo nên những bộ phim để đời. Nhưng thứ ta thiếu, lại là thứ quan trọng nhất, đó chính là ngôn ngữ điện ảnh.

Vì thiếu ngôn ngữ điện ảnh nên phải bắt chước những nền điện ảnh được tiếp xúc nhiều như Mỹ, Hàn, Trung Quốc… Những người làm điện ảnh Việt đang bị nhầm giữa hai khái niệm kĩ thuật và nghệ thuật.

Các đạo diễn trẻ bây giờ thường bị mặc cảm trước nền điện ảnh thế giới. Từ đó, nảy sinh ra tâm lí phải dùng các kĩ thuật, kĩ xảo, dùng cật lực vào để khỏi sợ bị “quê”. Nhưng đua với điện ảnh thế giới về kĩ thuật thì mình cầm chắc phần thua rồi.

Kĩ xảo là điều cần có, nhưng các nhà làm phim cần hiểu rằng điều quan trọng nhất của điện ảnh là ngôn ngữ chứ đâu phải kĩ thuật.

Điện ảnh Việt bây giờ lo tính thương mại nhiều quá. Nhiều đạo diễn Việt rất trẻ, rất tài năng, nhưng tôi thắc mắc một điều là tại sao họ lại dùng tài năng đó vào những chỗ không phải dành cho họ.

Cuộc đời của Yến

Cảnh phim Cuộc đời của Yến.

Nguy hiểm hơn, nhiều bộ phim thương mại, giải trí đang bịp bợm người xem một cách trắng trợn. Nếu như học tập cách làm phim từ các nước khác thì tôi đồng ý, nhưng sao chép của người ta từ ý tưởng, cách làm, cách diễn, cách tạo scandal thì tôi phải dùng hai từ “ghê tởm” để diễn tả.

+ Nhận xét của ông có quá bi quan không khi vẫn còn những phim Việt Nam đạt được một số giải thưởng quốc tế. Mà gần đây nhất là bộ phim “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) là một ví dụ?

Có một số phim Việt Nam được đưa đi tham dự các giải quốc tế, nhưng những phim đó hầu hết làm ra để thi thố. Các nhà làm phim đang cố gắng làm “vừa lòng” các giám khảo quốc tế bằng một vài cảnh nghèo, cảnh khổ của Việt Nam. Nhưng đó không phải và không thể là một Việt Nam chân thực, một Việt Nam đáng để lưu lại trong mắt bạn bè quốc tế được.

Ngay như phim “Đập cánh giữa không trung” của cô Điệp vấp phải một số vấn đề rất đáng ái ngại. Bộ phim này đang rao bán những cảnh “giả nghèo” của Việt Nam cho quốc tế. Nói trắng ra là bộ phim này đang bịp bợm những khán giả quốc tế.

Những người Việt trẻ trong phim cũng bị biến tướng một cách trầm trọng. Nhân vật chính là một cô sinh viên, nhưng không thấy cô cầm sách học hay đến trường. Một ngày của cô ta trôi qua nhạt nhẽo với cảnh yêu đương, làm tình… Đó đâu phải là giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Trong mắt bạn bè thế giới chẳng nhẽ giới trẻ Việt Nam thảm hại thế sao?

B. Không biết trong tay có kho vàng

+ Giáo sư nói điện ảnh Việt đang lãng phí một kho tàng đề tài quý giá. Kho tàng ấy liệu có khó để khai thác không?

Lúc ở bên Pháp, tôi xem một số phim Việt Nam và rất thắc mắc tại sao trong phim lại thiếu vắng văn hóa truyền thống Việt, thiếu tâm hồn Việt, thiếu tính cách Việt đến vậy.

Và lần về Việt Nam này thì những thắc mắc của tôi đã biến thành sự kinh hoàng. Điện ảnh thế giới vô cùng thiếu những bộ phim về nông thôn, về văn hóa phương Đông. Tất cả vẫn còn là một màn bí ẩn. Nhưng các đạo diễn của chúng ta lại không hề ý thức được mình đang nắm trong tay cả một kho vàng!

Đổi lại, điện ảnh Việt nhưng Mỹ hóa, Hàn hóa đến chóng mặt. Và ngay cả những nhân vật trong phim, cũng đâu phải là người Việt!

Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km.

Tại sao mình có một kho tàng đề tài từ nông thôn, miền núi đến đề tài trong lịch sử, văn hóa rộng lớn như thế mà không biết dùng? Cái khán giả cần là những thứ Việt Nam có, Việt Nam đẹp chứ không phải những thứ Việt Nam bắt chước.

Mất đi nét thuần Việt, là xem như điện ảnh Việt mất đi tất cả!

C. Quản lý dễ dãi

+ Thực tế là đã có một số phim điện ảnh Việt Nam lấy đề tài về nông thôn, lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng khi ra rạp lại ế khách, mặc dù kinh phí đầu tư làm phim rất lớn. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây là chính sách. Các cơ quan chức năng của Việt Nam không lo đến vấn đề phát hành. Phim giải trí bao giờ cũng ăn đứt phim nghệ thuật về khâu phát hành. Thế thì các hãng phim tư nhân dại gì không đầu tư vào dòng phim giải trí.

Nhưng trên thế giới, không đâu có cách quản lí phim dễ dãi như ở mình. Việc bảo trợ cho dòng phim nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam đang hết sức yếu. Tôi lấy đơn cử như ở Pháp, có loại phim nghệ thuật (phim tác giả) do nhà nước bảo trợ. Tiền bảo trợ được lấy từ việc đánh thuế rất nặng các loại phim nước ngoài, phim thị trường (khoảng 10% tiền bán vé sẽ được chuyển vào quỹ bảo trợ phim nghệ thuật).

Ngoài ra, ở Pháp có những rạp để chiếu những phim nghệ thuật lâu dài, dù có 5 -10 người đến rạp cũng không sao, nhà nước chấp nhận bảo trợ. Để có thể thấy rằng nếu phim thực sự hay người xem có thể truyền tai nhau và tìm đến rạp mà không cần phải chi nhiều tiền cho quảng cáo. Bản thân tôi đã được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi đó.

Có làm được như vậy các nhà làm phim của chúng ta mới có thể thoải mái sáng tạo, mang đến cho khán giả những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao. Tức là, một khi có chính sách bảo trợ điện ảnh tốt thì tự khắc những người trong nghề sẽ nghiêm túc làm nghề, cống hiến cho nghề. Bản thân các nhà làm phim là những trí thức thì hãy có chính sách cho họ làm tròn bổn phận của một trí thức. Đừng bắt họ làm con buôn hay làm chính trị, họ sẽ thất bại về mặt nghệ thuật ngay.

+ Có nhiều đánh giá cho rằng nền điện ảnh Việt Nam đang thiếu nhân tài. Với tư cách một đạo diễn, ông đánh giá như thế nào về trình độ chuyên môn của các đạo diễn Việt Nam hiện nay?

Nhận xét đó không sai đâu. Bởi tôi thấy các đạo diễn của chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ cần thiết. Thiếu kiến thức, thiếu văn hóa, thiếu ngoại ngữ, thiếu quan hệ… Vì vậy, hệ quả tất yếu là thiếu sáng tạo, dẫn tới việc làm đáng xấu hổ mà tôi đã nêu trên là sao chép điện ảnh của nước ngoài.

Bản thân là một đạo diễn, tôi thấy nghề này cần phải đọc và học không ngừng nghỉ. Đọc trong sách, học ở cuộc sống. Tôi thấy lạ một điều, là các đạo diễn Việt Nam rất ít người lấy văn học làm thói quen và niềm vui trong cuộc sống. Mà văn học không có thì lấy nền tảng đâu mà sáng tạo ra ngôn ngữ điện ảnh. Hai động tác quen thuộc của các nhà làm phim Việt nói chung là chép và dán.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Khang.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon