Tác giả: Đỗ Duy Hoàng
“Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn” có lẽ câu thoại quen thuộc ấy từ cổ tích Tấm Cám đã quá đỗi thân quen với mỗi người chúng ta. Quả thật cái hương thị thơm nồng nàn, quyến luyến nơi cánh mũi khiến người thưởng hương không nỡ ăn đi trái vàng óng ả đó…
Để có được từng chùm quả lủng lỉu sai chi chít trên cành thì quá trình ủ hương từ mầm lá quả thật là hành trình của chắt ngọc ươm nhựa kì công. Độ tháng 11 âm lịch mùa thị thay lớp lá già nua để cho mùa trái bắt đầu. Mất độ 3 tháng ròng rã đến bận cuối giêng thì lớp lộc non mới trẩy lên mơn mởn. Lá chưa kịp phủ kín cành cây thì những cụm hoa đã nhú nhích xuất hiện. Không kiêu sa như những loài hoa khác, hoa thị mang nét độc đáo riêng biệt. Từng hoa tròn tròn như viên ngọc, có lẽ chính từ đó đã mang hành trình ủ hương vào trong từng thớ thị.
Sau bao nhiêu ngày ủ hương từ trong mầm cây, nách lá, từ những chùm hoa vương khắp, thị đã cho mùa quả chín. Tháng 4, tháng 5 âm lịch thị chín vàng óng ả. Cái hương thị không lẫn vào bất cứ đâu được, nó thoảng nhẹ từ xa, càng gần lại càng nồng nàn đến lạ. Mùi hương không gắt mà vương thật đậm. Cái mùi của thân thương, của tuổi thơ cho những ai ở những triền quê ngày hạ ùa về ngập tràn tâm khảm. Những lớp trẻ thơ ngày hôm nay chắc không ấn tượng nhiều với nhiều hương ấy. Nhưng với những thế hệ 9X trở về trước mùi hương thị là mùa của kỉ niệm chập chờn, mùi của nhắc nhớ và mùi của biết bao cảm xúc khó tả…
Ngày ấy còn thơ dại, cái buổi không được đủ đầy như bây giờ. Thức quà bánh cũng ít ỏi. Thị trở thành món quà quý giá, mỗi sáng tinh mơ bọn trẻ con đứa nào cũng cố dậy thật sớm để nhặt những quả thị chín rụng từ đêm hôm trước. Đem về ủ trong cặp tóc để mỗi khi lấy sách vở ra thì mùi hương bung tỏa, để ôm quả thị mà hít hà mãi không thôi. Chẳng nỡ ăn đâu nhưng cứ thòm thèm mãi bởi cái vị ngọt ngọt chen lẫn cái chan chát của từng thớ thị thật đặc biệt. Phần ruột của quả thị lấm tấm những hạt ăn rất thú vị. Đến cái hạt thị cũng được cạo sạch lớp vỏ nâu chát bên ngoài. Mà cái cách cạo cũng thật độc đáo khi bọn trẻ con cứ dùng răng mà cạo, đến khi chỉ còn phần hạt bên trong trắng nõn ăn giòn sần sật thích thú.
Đã qua rồi cái thời hít hà hương thị không thôi, đã không còn tranh nhau từng quả thị rơi dưới gốc, hay giấu từng quả trong hủ gạo, trong cặp tóc, cả đống áo quần để mùi hương ủ mềm… Nhưng có lẽ cái mùi hương nồng nàn của quả thị mãi vương vào kí ức. Để chỉ cần thoảng nhẹ qua thôi là bao kỉ niệm ùa về chiếm ngập tâm hồn của những xưa trẻ. Để những tháng ngày ấu thơ không tơ vương lo lắng sống lại trong tâm thức trưởng thành, để nhớ, để hoài thương và ước ao được trẻ lại để vô ưu, vô nghĩ quên đi những nhọc nhằn…