Giữa muôn vàn lựa chọn thức uống từ cổ điển như cà phê, nước ép đến hiện đại như đá xay, trà sữa, trà mạn truyền thống vẫn có một chỗ đứng riêng trong lòng người Việt. Không riêng người cao tuổi, trung niên mới thích uống trà, giới trẻ ngày nay cũng đang tìm về nét văn hóa ẩm thực lâu đời này.
Không mâm cao cỗ đầy với bánh trái và đa dạng thức uống như ngày nay, người Việt xưa đón Trung thu với mâm cỗ trông trăng khá giản dị: vài chiếc bánh nướng, bánh dẻo và một ấm trà thơm. Nhưng có lẽ nhờ sự giản đơn ấy, người ta có thời gian đủng đỉnh cắn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà để thả lòng vào những chiêm nghiệm sâu xa.
Vì sao người xưa lại chọn trà mà không phải thức uống nào khác để ăn cùng bánh Trung thu? Bàn về điều này, nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng nguyên nhân đến từ vị giác. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, vị giác người thưởng bánh dường như chưa được thỏa mãn. Chút đắng chát của trà ban đầu tưởng sẽ làm dịu đi vị ngọt của bánh nhưng thật ra trà có cái ngọt hậu.
Dư âm đó chính là điều đặc sắc giúp kéo dài vị thơm ngọt của bánh. Cũng bởi vậy, hiếm thức uống nào thay thế được trà trong nghệ thuật dùng bánh Trung thu.
Thói quen ăn bánh Trung thu đi kèm trà nóng đã trở thành nét văn hóa. Trong cái ngọt của bánh có vị đắng chát của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của bánh. Cũng như vậy, sự viên mãn ta mong cầu trong ngày rằm thực ra là tổng hòa của vị ngọt và trái đắng trong đời.
Ngày nay, dù có rất nhiều loại thức uống ra đời nhưng vào dịp Trung thu, nhiều người Việt vẫn chọn trà để tăng thêm dư vị cho mùa đoàn viên.
Không chỉ người già, lớp trẻ cũng đang dần tìm thấy những điều thú vị trong nét văn hóa xưa. Nếu đang tìm kiếm một trải nghiệm mới, đơn giản và thanh cao giữa đời sống bộn bề, Trung thu này, bạn trẻ hãy ngồi xuống cùng người thân nhấm nháp những giọt đắng chát tinh tế, kéo theo dư vị ngọt ngào hòa quyện của bánh và trà.
Tác giả: Giang Minh Nguyệt – Trương Luật