Cuội Nguồn Trà Việt

Lượt xem : 679 lượt xem

Trịnh Quang Dũng

    Nhiều tư liệu khẳng định tộc Việt từng biết uống trà trước tộc Hán ít nhất cũng hàng nhiều trăm năm, thậm chí hàng thiên niên kỷ.

“Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà.”

Cội nguồn trà việt qua vùng trà cổ hoang dã

Ngược lại với sự nghèo nàn của vùng nguyên sản trà hoang dã ở Trung Hoa từ thời Đường, Tống trở về trước, cây trà cổ thụ bao phủ khắp lãnh thổ Văn Lang, Âu Lạc, Đại Việt từ xa xưa và cả vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Chứng tích hiển nhiên này hẳn là một chứng cứ thuyết phục nhất, xác định quê hương, cái nôi phát tích của trà thế giới. Chính ở khu vực vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam, vùng núi rừng Hoàng Liên Sơn, người ta đã phát hiện ra còn khoảng 1.100.000 cây trà cổ hoang dã hiện tồn tại tới ngày nay. Hẳn không thể không giật mình khi biết rằng theo con số thống kê mới nhất (2007) của năm sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, hiện Lào Cai còn nhất với 846.000 cây trà cổ thụ hoang dã; Hà Giang còn 107.000 cây; Lâm Đồng còn 45.600 cây; Sơn La chỉ còn 200 cây; tỉnh Yên Bái còn 123.400 cây và đặc biệt chỉ riêng vùng Suối Giàng nơi được mệnh danh là đệ nhất kỳ quan của trà thế giới đã tìm thấy vùng rừng trà nguyên sản hội tụ đậm đặc trên 84.000 cây trà cổ thụ hoang dã nằm ở độ cao 900 – 1.400m so với mặt nước biển. Viện sĩ Liên Xô ông M.Djemmukhatze khi tới nghiên cứu trà tại vùng trà này đã sững sốt thốt lên: “Tôi đã đi khắp thế giới, tới trên 120 nước có chè để nghiên cứu nhưng không ở đâu tôi thấy trà có hương thơm và vị ngon tinh khiết mà lại lâu đời như ở Suối Giàng”.

Cây chè shan tuyết cổ thụ

Cây chè shan tuyết cổ thụ.

Năm 2006, người ta phát hiện ra cây trà đắng cổ thụ Ku Đinh cao 30m ở xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Cây trà này trước kia thuộc đất rừng, nay nằm trong vườn của bà Hoàng Thị Hoan. Bà cho biết trà có tán tới 25m2, đường kính thân 2 mét vòng thân sát gốc tới 2,4 mét và gần đây mới biết nó là cây trà đắng khi có người mang giống loại này từ Cao Bằng về trồng. Tính ra nó cũng có đến vài trăm năm tuổi. Vào năm 2009, tình cờ cán bộ Lâm nghiệp xã lại tìm thấy trong khu rừng nguyên sinh núi bóng thuộc xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có một số cây chè đại thụ cổ trên độ cao 851m (so với mặt nước biển).

Cây chè cổ ở Đại Từ

Cây chè cổ thụ cao 30 mét ở Đại Từ, Thái Nguyên.

Cây to nhất có đường kính gần 1m, thân gỗ cỡ 2 người ôm cao tới 30m với tán sum suê. Rừng cổ thụ trà len lỏi suốt dọc các tỉnh Tây Bắc vẫn đang cho loại “trà sạch” như một minh chứng sống về quê hương,  nơi khởi nguồn trà việt… Cây trà bản địa thật sự là nguồn sống của cư dân thuộc lãnh thổ Việt Nam từ ngàn đời nay, là bằng chứng khẳng định quê hương, xuất xứ Việt. Tuy nhiên cũng không phải hoàn toàn vô cớ mà người Việt thời Hùng Vương đã biết đến trà. Từ thời xa xưa, cha rồng Lạc Long Quân và mẹ tiên Âu Cơ, vốn ngự trị đất Văn Lang cổ từ hồ Động Đình vùng Ngũ Lĩnh của tộc Bách Việt đã là “cầu nối” của cây trà. Từ huyền thoại trở về thực tế, ta dễ dàng gặp lại dấu ấn cây trà ở khắp nơi trên những vùng đất Việt cổ đã từ xa xưa. Trong sách Thiền Uyển tập anh, Tăng Thống Huê Sinh có nhắc đến một địa danh “Núi chè” (Trà Sơn) ở Bắc Ninh. Chuyện kể răng:”… năm 19 tuổi, ông dứt lụy đời trần tục cùng pháp thông chùa Hạc Lâm, Tôn Định Huệ chùa Qung Hưng làm thầy. Học thiền mỗi ngày một tiếng. Định Huệ vỗ về mến chuộng. Từ đó, sứ dạo khắp tùng lâm hỏi hết thiền chí rồi đến đỉnh Bồ Đề núi trà Trắc Tích. Mỗi lần vào tịnh, trải qua năm ngày mới dậy. Người bấy giờ gọi sư là Đại sĩ Nhục Nhân. Không chỉ ở Bắc Ninh, núi trà còn có ở Thanh Hóa và vùng trà cổ còn bao phủ hầu hết vùng Trung du Bắc Bộ cũng như toàn bộ phía bắc, Tây Bắc Việt Nam. Đó đây những cây cổ thụ trà tuổi đời có thể vài trăm năm đến cả nghìn năm đang là những vật chứng sinh động cho những luận cứ Việt Nam chính là quê hương của trà, một loại cây bản địa cố hữu của vùng đất này từ hàng thiên niên kỷ trước.

Cuội nguồn trà Việt qua những tập tục uống trà và di chỉ khảo cổ

Tập tục uống chè tươi, chè cành là dấu vết về kiểu thức uống trà sơ khai nhất của loài người mà ngày nay không còn tồn tại trên thế giới nhưng lại khá phổ biến rộng khắp tại Việt Nam. Không chỉ còn tồn tại, lễ uống chè tươi còn trở thành “hội uống chè tươi” ở vùng Tiên Lữ, tỉnh Vĩnh Phúc. Cứ khi rãnh rỗi, bà con trong xóm lại tự tập quây quần cùng nhau thưởng thức chè tươi như trong một gia đình. Lễ đãi nước chè tươi xoay vòng cho từng gia đình trong làng ở Hương Kê, Hà Tĩnh vẫn còn đang bảo tồn trong cộng đồng cư dân nơi đây. Những tập tục mang tính cộng đồng, đại chính nay là “sợi chỉ hồng” dẫn dắt chúng ta về với quá khư ẩm trà của tổ tiên!

Tục Tỵ ẩm (uống bằng muỗng) được ghi chép trong sách Thủy kinh chú sớ vào thế kỷ thứ II – I trước công nguyên còn song hàng với dân Việt đến tận thế kỷ XIII. Chính danh tương Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, một nho tướng thông thạo tới 4 – 5 ngôn ngữ từng tham dự tập tục này trong cuộc “Tỵ ẩm trà” với dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và nó còn lưu truyền tới ngày nay trong nhóm dân tộc Kháng Lai Châu.

Dân tộc Bạch (thuộc tộc Bách Việt, được cho là tổ tiên của người Thái ngày nay) có tập tục uống trà còn gọi là Bạch tộc tam đạo trà: “…Sau một tiết mục hát, múa truyền thống dân tộc là một tuần trà mời khách. Chén trà đầu (tuần trà thứ nhất) có vị thật đắng biểu trưng nỗi cay đắng, gian khổ trong cuộc sống; chén trà thứ hai lại thật ngọt tượng trưng cho thành công và hạnh phúc; chén trà thứ ba không đắng, không ngọt được gọi là chén trà hồi quy để hồi tưởng lại những gian khổ, vất vả cũng như hạnh phúc trong cuộc đời. Cách pha trà của họ cũng đặc trưng: lá trà non được hơ trên ngọn lửa cho đến khi biến thành màu vàng và tỏa hương thơm mới được cho vào ấm pha nước sôi để thật lâu cho ngấm trà, khi lá trà chìm hết mới rót ra thưởng thức. Khi uống trà họ còn lấy lá trà ra nhâm nhi, nếu thiếu điều này coi như vô lễ với khách”.

Cách uống chè nướng hiện vẫn được các dân tộc vùng Trung du Bắc Bộ Việt Nam bảo tồn. Họ còn biết cho lá trà vào ống tre và nướng trên lửa như một cách sao chè thô sơ. Tập tục uống chè nướng này đã bảo tồn được một trong những phương thức chế biến trà sơ khai nhất trong lịch sử phát triển của “trà nghiệp” mà không dễ gì tìm thấy ở các quốc gia khác.

Nên văn minh trà của người Việt còn được thể hiện qua các phong tục được ghi chép thành văn tại đền Đồng Xâm, thôn Thượng Gia, Kiến Xương, Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế (239 – 137 TCN) và hoàng hậu Phương Dung – Trình Thị được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1991, còn lưu truyền nghi thức uống chè, dâng chè qua năm bước thời quốc gia Nam Việt: Bước một, chắp chào nhau; Bước hai, đưa tay mời; Bước ba, nâng chén chè lên nhấp môi; Bước bốn, uống cạn chén; Bước năm, đặt chén xuống vái chào nhau. Hiện vẫn còn chứng tích với con sông Trà (Trà giang) chảy ôm sau lưng đền. Việc uống trà thời nhà Nam Việt đã phát triển và được lưu truyền trong đôi câu đối:

– Cơ đồ sáng chói dựng vởi mẹ cha tiền rồng, con cháu giữ gìn, ngang cùng Hán xây nghiệp đế.

– Vùng quê ngoại dựng nên cung khuyết, linh khí tốt trà rượi hòa thành sông, ngoài Phiên ngung, đây đệ nhất Thần kinh.

Văn bản ghi chép sớm nhất đã lưu trong sử sách từ trước năm 1979. Trong tác phẩm An Nam Chí Lược, Lê Tắc đã mô tả tục uống trà của người Việt thời đó đã trở thành nghi thức lễ hội: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Đông Nhân bái yết Tiên Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu – Na” (nghĩa là đuổi ma quỷ). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượi cúng tổ”. Tục dùng trà làm vật phẩm cúng phật, cúng gia tiên đã có từ xa xưa. Tại các chùa Việt, khi tiến lục cúng lên Tam bảo lần thứ tư, có lễ dâng cúng nước trà. Trong bản Kim Ngân sự lệ (bản chép tay 1794) hiện lưu giữ tại đình Hàng Bạc ghi chép về trà trong lệ lễ cúng giao thừa: “…Trà một bát, xôi vần hai đĩa, giò lụa một đĩa…”. Trà là món quà trân quý không thể nào thiếu được trong lễ ăn hỏi, cưới xin, giao tiếp của đời sống Việt. Có thể nói trà là vật phẩm vô cùng gắn bó với người Việt từ lúc cất tiếng chào đời cho tới khi trở về cùng cát bụi. Bằng cách nhìn tổng thể, các tập tục này chính là chứng cơ cội nguồn của dòng văn hóa chè dân gian Việt.

Bộ ấm chén thời Lý - Trần

Bộ ấm chén gốm Việt cổ thời Lý – Trần.

Nguồn gốc chứng tỏ Việt Nam là cuội nguồn, một trong những cái nôi trà cổ xưa nhất của thế giới còn được minh chứng qua các di chỉ khảo cổ học.

Tổng hợp từ sáu hang động thuộc các di chỉ văn hóa Hòa Bình cho thấy có thới 22 loại bào tử và trên 40 loại phấn hóa. Năm 1960, những quả chè cổ có niên đại 13.200 năm tuổi được các nhà khảo cổ Việt Nam tìm thấy bên đống tro ở hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa và cả ở hàng Xóm Trại đều thuộc nền văn hóa Hòa Bình (VHHB). Phát lộ quan trọng này là một bằng chứng thuyết phục nhất cho sự hiện diện của nước chè và khẳng định trà là cây nguyên sản bản địa nơi đây. Di chỉ này đã được Viện Khảo cổ Việt Nam đưa giám định niên đại và công bố tại Hội thảo quốc tế Pari cùng năm. Kết quả giám định niêm đại C14 cho biết VHHB có niên đại sớm 18.420 ± 150 năm TCN và niên đại muộn 7000 ± 100 năm TCN. Giới khoa học khảo cổ đánh giá các loại hoa quả, hạt: trám, cọ, me, cốm, chè tìm thấy tại các di tích VHHB còn quá ít so với thực tế vì tài liệu dân tộc học về vùng Hòa Bình, Thanh Hóa cho thấy các loại củ quả này đến này vẫn còn được các dân tộc bản địa khai thác. Nghiên cứu về bếp lửa, tại những đơn vị cư dân cư trú trong hang đá, mái đá, người ta xác định có dấu hiệu của gia đình nhỏ và duy trì mối quan hệ Mẫu hệ do chi phối bởi nền kinh tế hái lượm là chính. Hiện hữu của quả chè hiện nhiên khẳng định cho việc dùng chè làm đồ uống cùng những củ quả khác làm thức ăn. Không chỉ có vậy, theo tài liệu khảo cứu của Uỷ ban khoa học xã hội, dấu tích của lá trà và thân cây trà hóa thạch cũng được phát hiện ở Phú Thỏ, vùng đất tổ Hùng Vương.

Những cuộc khai quật ở Thanh Hóa đã tìm thấy dấu vết trà qua các ấm trà, bình đựng nước pha trà. Bát men được tìm thấy ở di chỉ Lũng Khê còn xác định được nơi sản xuất tại Đai Lai, Bắc Ninh khoảng thế kỷ V – VI. Điều đáng chú ý là các hiện vật này khá phổ biến ở nhiều vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam và các vùng đất Việt cổ (thuộc phía nam Trung Quốc ngày nay).

Đặc biệt di chỉ khảo cổ Bán pha 2 (niên đại 12-5000 năm TCN) gần Tây An nơi tìm thấy “chiếc bình gốm cổ dính dưới đáy có một chất giống như cặn trà” trên mặt bình có khắc văn bản chữ tượng hình nhân không giống với tự dạng chữ Hán (thời kỳ này chưa có chữ Hán), nó là một tập hợp những kí tự theo quy luật nhất định khiến người ta đọc được và các chuyên gian đã giải mã đó là một câu chuyện về nghi lễ giữa con người và thần linh, đồng thời chỉ cách chữa bệnh bằng nước chè. Có nhiều giả thuyết về những đồ tìm được ở di chỉ này, tuy nhiên lô ghích và biện chứng hơn cả là xu hướng cho rằng đó là sản phẩm của cư dân Bách Việt, chủ nhân của vùng đất này trong suốt một thời gian dài 40.000 năm.

Văn hóa Phùng Nguyên cách nay khoảng 5.000 – 3.330 năm (tức 3000 – 1.330 TCN) đã được giới nghiên cứu khảo cổ khẳng định của người Lạc Việt và người ta đã tìm thấy đồ gốm như mâm đồng, cốc cao chân trang trí bằng những đồ áng hoa văn rất đẹp. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu vết thóc gạo của văn minh nông nghiệp lúa nước trong nền văn hóa Phùng Nguyên rộng lớn ở trung du và Bắc Bộ Việt Nam. Đặc biệt một loại hiện vật điển hình là những di vật đất nung có hình dáng kỳ lạ: âu gốm chân kiềng rất phù hợp cho việc nấu trà có mặt ở tất cả các di chỉ Phùng Nguyên. Đó là loại nồi gốm có chân kê để dun (hiện lưu diễn tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) có thể đoán định là đồ nấu trà thuở cổ xưa khi trà còn coi là món linh dược trước khi có nghệ thuật chè ngâm. Nhiều nhà khoa học từng cho rằng, văn hóa trà luôn song hành với văn hóa lúa nước và họ đã đưa ra những luận giả hết sức thuyết phục. Mới đây nhất, trong đợt khai quật ở di chỉ Đình Chài, Cổ Loa, Đồng Anh ( 10-2010) thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên đã phát hiện được hiện vật giống như tước gốm để uống trà.

Nhiều ấm đồng có vòi rót, nồi đồng, thạp đồng chứa nước thời văn hóa Đông Sơn (VHDS) được tìm thấy là những dấu vết về trà ngay từ thuở hồng hoang của dân tộc Việt. Những cuộc khai quật ở Thanh Hóa đã tìm thấy các loại trà cụ qua các ấm trà, bình đựng nước pha trà. Loại ấm đồng vòi đầu gà, ba chân có cán cầm để rót tìm được ở trên vùng cương thổ Văn Lang xưa (Thanh Hóa, Quảng Tây, Quảng Đông, Trường Sa, Hồ Nam) có niên đại những năm cuối trước TCN khiến chúng ta liên tưởng đến loại ấm con cò dùng đun nước rất thịnh hành tại Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Chúng có cấu tại, công dụng đến lạ lùng! Có thể nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà nhiều loại trà cụ, chế tác bằng gốm mộc, gốm phủ men, bằng đồng được tìm thấy ở khắp vùng đất Việt cổ. Đó chính là những thông điểm của ông cha, xác thực cho sự tồn tại văn hóa trà thời Hùng Vương từ quá khứ gửi về. Hủ gốm có vòi đựng đồ uống (trà/rượi: nên chú ý rằng thời kỳ này trà bóp vụn thêm gia vị nấu sôi rồi lọc bã bỏ đi thành đồ uống như rượi hoặc thay rượi) tìm thấy ở mô Nam Việt Vương “cháu Triệu Đà” được giới chuyên môn cho là “rất đặc trưng cho loại hình Việt phương Nam” cũng có thể coi là những bằng chứng của trà Việt thời TCN. Điều thú vị là chúng rất giống với loại hũ gốm đất nung cùng nhiều bát uống trà tìm thấy sau khoảng 400-500 năm sau ở di chỉ Lũng Khê, Bắc Ninh (thế kỷ III – V SCN).

Có thể nói các hiện vật tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ chính là dấu vết văn hóa trà Việt từ thời các vua Hùng truyền lại. Chúng là những vật chứng thuyết phục và sống động nhất, minh triết cho cuội nguồn trà Việt bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước.

093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon