Danh trà Tân Cương

Lượt xem : 555 lượt xem

     Quê tôi là một làng nhỏ bạt ngàn chè, cau, chuối ở vùng trung du miền núi đông bắc. Từ nhỏ, khi biết quan sát thế giới xung quanh tôi đã nhận biết về cây chè. Thuở nhỏ, trèo lên cây chò, hái hoa, hái quả cho lũ con gái làm đồ chơi. Như mọi trai làng, tôi biết uống chè xanh từ rất sớm. Chè làng tôi do ba tôi, mẹ tôi hái lá, bỏ vào giành, năm bảy ngày hái 1 lần mang ra chợ bờ sông bán, đơn vị tính là đong vào cái nón đội đầu bỏ xuống, lật ngửa lên. Mỗi lần, bà hoặc mẹ mang chè xanh đi bán, thế nào lúc về tôi cũng có một chút quà, củ khoai luộc hay đẳn mía. Lớn lên, đi đâu, làm gì chả ngày nào là tay tôi không đụng đến chén nước trà, từ chén trà pha trong phòng làm việc cơ quan, tới thăm nhà ai đó hay uống ở quán nước, cho tới cốc trà nhúng túi lọc, hay trà hòa tan nhanh thời thượng hiện nay…. Gần gặn hàng ngày từ nhỏ nên khao khát nâng cao giá trị sản phẩm chè Tân Cương càng mãnh liệt xứng danh tinh hoa của trà Việt.

Chén trà Tân Cương

A. Lược sử chè Tân Cương

Trong cuốn Văn minh trà Việt viết bởi tác giả Trịnh Quang Dũng có dẫn rằng: vợ của vua Hùng chính là người dạy cho người dân cách thuần hoá những cây trà hoang để trồng ở vườn nhà. Nước Văn Lang của vua Hùng đóng đô ở trị trấn Phong Châu. Nơi đây hiện nay là phường Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì; tỉnh Phú Thọ. Đây chỉ là truyền thuyết nhưng phần nào cũng góp phần vào nhận định của một số chuyên gia là cây trà vườn xuất hiện đầu tiên ở Phú Thọ. Và Phú Thọ cũng chính là quê hương của cây trà Thái Nguyên.

Theo Họ Vũ Võ Việt Nam, người đã có công mang những cây trà giống đầu tiên từ Phú Thọ về Thái Nguyên là ông Vũ Văn Hiệt (1883-1945). Ông không phải là người bản địa mà sinh ra và sống cuộc đời tuổi trẻ của ở Hưng Yên. Gia đình ông có truyền thống làm nghề mộc nên từ khi còn nhỏ thì ông Hiệt đã hướng theo nghề của gia đình. Công việc đang thuận lợi thì chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra vào năm 1914. Thực dân Pháp vẫn đang đô hộ nước ta vào thời gian này; nên họ kêu gọi trai tráng cả nước nhập ngũ để gia nhập vào đội lính Lê Dương cùng với những người lính đến từ những quốc gia mà Pháp đô hộ.

Do có biết nghề mộc nên cụ Hiệt không phải trận. Thay vào đó ông được làm việc cho xưởng sản xuất máy bay của Pháp. Ở Pháp được khoảng 4 năm thì chiến tranh kết thúc nên ông xin phép về nước để trở về với vợ con đang đợi ở nhà. Để thưởng cho những đóng góp của ông thì chính phủ Pháp giao đất cho ông ở vùng Tân Cương (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên ngày nay) để ông khai phá. Vùng Tân Cương lúc này vẫn còn ít người ở và kinh tế cũng kém phát triển. Thế nên cụ Hiệt đã xin vị quan đứng đầu tỉnh là ông Nghè Sổ (tên thật là Nguyễn Đình Tuân) sang Phú Thọ để xin cây trà giống về phát triển kinh tế địa phương

Được sự cho phép của chính quyền sở tại; cụ Hiệt đã mang những cây trà giống về trồng tại vùng đồi thấp của Tân Cương. Cây trà hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất tốt. Đồng thời trà thành phẩm cũng có chất lượng rất cao. Ngoài việc tự trồng và sản xuất thì cụ Hiệt cũng chia sẻ cây giống cũng như phương thức làm trà của mình cho người dân địa phương. Do đó cây trà dần trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây; còn cụ Hiệt được bầu làm tiên chỉ đầu tiên của xã.

Cụ Hiệt cũng là người đi đầu trong việc nâng tầm trà Tân Cương bằng việc lấy thương hiệu là Chè Con Hạc. Thay đổi quy trình sản xuất trà sang quy mô bán công nghiệp; và mở hiệu trà ở khắp Bắc Trung Nam. Năm 1935, trà của ông thắng giải nhất trong một cuộc thi ở nhà tấu xảo ở Hà Nội nên tên tuổi của ông cùng với trà Tân Cương càng thêm lẫy lừng. Nhiều thương lái đến từ Ấn Độ hay Trung Quốc đều tìm đến mua trà của ông. Đến năm 1945 thì do tuổi già cùng với bệnh nặng nên cụ Hiệt qua đời ở tuổi 63. Người dân Tân Cương ghi nhận những đóng góp của ông cho quê hương nên suy tôn ông là “ông tổ chè Thái Nguyên”.

B. “Đệ nhất chè ngon”

Xã Tân Cương – địa danh đã hội tụ tất cả những gì tinh túy nhất của sản phẩm trà Thái Nguyên. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nơi đây được mệnh danh “Đệ nhất danh trà”. Khí hậu, thổ nhưỡng và kinh nghiệm lâu đời của người làm chè ở Tân Cương đã tạo ra những giá trị riêng biệt cho sản phẩm trà truyền thống mà không một nơi nào có được.

a. Kết tinh từ thiên nhiên

Vùng chè ở Tân Cương nằm ở vị trí địa lí thuận lợi nơi đón nhận dòng chảy của hồ Núi Cốc đưa xuống, thời tiết quanh năm ôn hòa thổ nhưỡng của vùng phù hợp với cây trà đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển và có chất lượng ngon nhất.

Hồ núi Cốc

Tân Cương – Thái Nguyên là vùng đất trung du mang đặc trưng kiểu khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển. Chất đất ở đây không quá màu mỡ như đất trồng các loại hoa màu khác, nhưng cũng không phải đất cổ pha sỏi như ở Phú Thọ. Điều này đã mang đến một nguồn dinh dưỡng vô cùng phù hợp cho cây chè. Cạnh đó, dãy núi Tam Đảo chắn bớt cái nắng hè gay gắt. Nhờ vậy mà hàng năm, Tân Cương nhận được một lượng bức xạ nhiệt vừa phải, không quá gắt cũng không quá mềm. Do đó, cái bức xạ này dẫn đến khả năng tổng hợp chất dinh dưỡng của lá chè tốt nhất và tuyệt vời nhất.

Nếu hương chè Thái Nguyên tượng trưng cho khí trời thì vị chè lại đại diện cho vị đất. Được hình thành chủ yếu trên nên Feralitic, macma axit hoặc phù sa cổ, đất cát… Đất trồng chè nơi đây có độ pH phổ biến từ 5,5 đến 7,0, tính chất đất hơi chua nhưng lại rất phù hợp với giống cây này. Dù sinh trưởng trên và phát triển trên mảnh đất sỏi căn là thế, nhưng hàng ngày cây trà Tân Cương Thái Nguyên vẫn chắt chiu từng miếng khoáng chất trong lòng đất, hấp thụ từng giọt nước sông Công để chắt lọng thành vị ngọt hậu sâu trong từng tách trà.

Điều tuyệt vời nữa đối vời chỉ có ở vùng đất chè cổ Tân Cương là nó được tưới bởi nước Hồ Núi Cốc. Nguồn nước này được dẫn trực tiếp từ núi về nên rất trong lành. Chính điều này đã tạo ra hương vị rất riêng, rất đặc trưng cho cây chè nơi đây.

b. Bàn tay con người

Giống chè Tân Cương đạt chuẩn có xuất xứ từ Phú Thọ, lại được thiên nhiên ưu ái. Bởi vậy vùng chè Tân Cương – Thái Nguyên đã được biết đến là vùng chè đặc sản giống trà Móc Câu trứ danh. Loại trà này mang đến có vị ngọt hậu, sâu đặc trưng và được rất nhiều người tin dùng.

Chè là một loại cây cực kỳ khó tính và rất nhạy cảm. Ngay cả một cây xoan (sầu đông – sầu đâu) mọc ở trong vườn sẽ làm cho hương vị của những cây chè đã khác. Người Tân Cương bón chè bằng phân vi sinh, thuốc đuổi sâu chế biến từ cây khổ sâm. Chè phải được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Dụng cụ đựng chè phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang chè vào lán. Chè đựng bằng bao ni lông và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Khi sao chè, kỵ nhất là mùi nước hoa, đặc biệt mùi dầu cù là.

Đặc biệt, nhờ kỹ thuật chế biến rất riêng, đạt tới trình độ điêu luyện của những nghệ nhân xứ trà Thái Nguyên đã làm trà Tân Cương có một hương thơm và vị ngon rất đặc trưng mà không đâu trên dải đất hình chữ S này có được.

Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến thì chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.

Một trong những bước quan trọng nhất để tạo nên thương hiệu và những tách trà Tân Cương ngon nhất chính là ở công đoạn sao chè.

Búp chè hái về phải chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kỹ thuật truyền thống: Sao, vò, rồi lại sao mà phải làm liên tục, gọi là sao suốt. Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng để được chè ngon; rồi sàng sảy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu. Trước đây sao chè bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày, một lò sao lăn được 2kg/giờ. Nay, việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa.

Trà Tân Cương

Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào chè cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá lửa chè sẽ khét còn không đủ nhiệt, chè có vị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết độ nóng của lò. Dù họ không giấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát lò lửa chứ đừng nói đến chuyện đảo vò chè bằng tay trần trong lò nóng bỏng. Nhiệt độ có thể lên tới 180°C nhưng người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay.

Sau giai đoạn sao chè chính là thời điểm để lên hương chè sao cho mùi thơm như mùi cốm non, cánh chè nhẵn và xanh hơn. Người Tân Cương giữ cho mình những bí quyết lên hương chè rất riêng mà không nơi nào có được. Người ta cho rằng để lên hương chè phải thật khéo như một người phụ nữ trang điểm vậy. Càng khéo léo tinh tế, cẩn thận bao nhiêu thì càng xinh đẹp.

Cách bảo quản chè Tân Cương Thái Nguyên theo đúng kỹ thuật cha truyền con nối của người Tân Cương để tạo nên những sản phẩm Trà Tân Cương đã được khẳng định về thương hiệu.

c. Tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất trà Tân Cương

Sản phẩm trà Tân Cương của TAN CUONG GREEN TEA là chè an toàn với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ trồng, chăm sóc, thu hái, chế biển, kiểm định chất lượng, tiêu thụ theo chuẩn trà VietGap & tuân theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y Tế. Vườn trà đang nổ lực hoàn tất chứng nhận UTZ Certified.

Đánh giá phẩm chất trà Tân Cương, năm tiêu chuẩn chung bao gồm:

Hình: Chè Tân Cương mang đặc điểm hình dạng xoắn chặt, màu xanh đen đặc trưng. Bề mặt của lá chè có phủ tuyết và đặc biệt chè có mùi hương rất thơm, dịu nhẹ, không hắc như một số loại trà khác.

Sắc: Nước cốt trà Tân Cương màu vàng nhạt, sánh, đậm đặc. Một điều mà chỉ những người đã từng pha, từng uống thì biết, chè Tân Cương dù pha đến lượt nước thứ 3, 4 thì màu trà vẫn là vàng nhạt, sánh, đậm như lượt nước đầu tiên.

Hương: Hương vị trà Tân Cương khi pha có mùi hương dịu nhẹ của lá trà tươi.

Vị: Khi uống vào cảm nhận đầu tiên có thể là vị đắng chát, nhưng ngay sau đó, là vị ngọt thanh, đọng lại ở đầu lưỡi, mùi thơm lan tỏa khắp khoang miệng. Đồng thời người uống cảm thấy khoan khoái, thoải mái, đầu óc tỉnh táo hơn rất nhiều.

Hóa: Cánh trà khi pha xong có màu xanh trong.

d. Tình yêu trên những nương chè

Vùng đất chè Tân Cương với những điều kiện về sinh thái, thổ nhưỡng, đã cho cây chè đâm chồi nẩy lộc, dâng đời những búp xanh no ấm.

Những nông dân sinh ra lớn lên rồi già đi cùng những gốc chè. Với họ, những cây chè không chỉ mang lại thu nhập và ở đó là tình yêu sự gắn bó mật thiết với nhau. Họ đã làm ra những búp chè Tân Cương – Thái Nguyên ấy chứa đựng đủ đầy sự tần tảo nắng mưa, sự tài hoa tinh tế và tình yêu giản dị của con người với đất và cây. Trà Tân Cương có hương vị thơm ngon, đặc trưng, mùi vị lan tỏa, vị đắng chát, thanh ngọt ở đầu lưỡi. Nhưng nếu uống vào bên trong đó không chỉ còn đơn giản là một tách trà mà còn là tình cảm, sự yêu thương, tâm huyết, tình yêu trà yêu nghề của những người dân Thái Nguyên.

Vùng đất Tân Cương còn có một không gian sinh thái, không gian văn hóa được vun đắp bởi tình yêu giữa con người với thiên nhiên, giữa những người nông dân với cây chè đã vun đắp qua hàng thế kỷ đã được khẳng định về thương hiệu.

TH.

Đánh giá
093 202 6393
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon